KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM!

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận đầu tiên tại Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi giành được độc lập năm 1945. Sau đó, quyền con người, quyền công dân tiếp tục được khẳng định và mở rộng tại các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013. Cùng với đó Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn xác định con người là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các quan điểm này được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); Chỉ thị số 12-CT ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Đến Đại hội khóa XIII của Đảng trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhất quán tiếp cận vấn đề quyền con người gắn với quyền dân tộc, khẳng định chủ nghĩa xã hội là chế độ tốt nhất bảo đảm quyền con người cho Nhân dân Việt Nam.

Mặc dù luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đặt mục tiêu rất cụ thể, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả được Nhân dân trong nước và dư luận quốc tế đánh giá rất cao, nhưng các vấn đề về quyền con người vẫn thường xuyên bị các tổ chức, nhóm, hội phản động lợi dụng, chống phá nhằm tạo làn sóng dư luận không tốt. Mới đây, Việt Tân lại rêu rao “Trong năm 2024 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam lại tiếp tục có nhiều hành vi đàn áp nhân quyền…, nhà cầm quyền Việt Nam còn vi phạm nghiêm trọng về quyền “bất khả xâm phạm về thân thể” khi liên tục bắt giữ và tạm giam tuỳ tiện nhiều người dân và kết tội họ với những tội danh mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Cần phải khảng định, trong lúc người dân Việt Nam đồng lòng, nỗ lực trong công cuộc dựng xây đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, thì những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch như trên trở nên hết sức lạc lõng bởi đi ngược lại sự thật và lòng người. Việt Nam không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở trong nước một cách nghiêm túc, nhất quán, liên tục, mà còn nỗ lực góp phần quan trọng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Có một sự thật cần phải khẳng định rằng, ở Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ lợi ích của người dân. Vì thế, quyền con người, quyền công dân cũng không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp (thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), mà còn đồng thời được bổ sung, điều chỉnh trong các luật, bộ luật và các văn bản dưới luật. Các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không chỉ thể hiện Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quyền con người, mà còn là sự khẳng định, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình thực thi quyền con người.

Cùng với đó, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, sẽ không có cái gọi là “các nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù bất công” nếu các hành động của họ không vi phạm pháp luật Việt Nam. Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng, đã là hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, thì không thể đánh tráo khái niệm thành “bất đồng chính kiến”, cũng như không thể coi việc các cơ quan chức năng bắt tạm giam những người này là “bất công” được. Cho nên, luận điệu phản động kiểu “nhân quyền ở Việt Nam chỉ còn trên giấy” hay Việt Nam “không có nhân quyền”, “chính quyền không bảo đảm quyền con người” chỉ là sự nhận định thiếu khách quan, sai lệch; chỉ là những quy kết, vu cáo, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nhằm kích động nhân dân chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật và cổ súy cho những hành vi phỉ báng, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội.

Cũng ở Việt Nam, ngày 20/3/2024, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10; trong đó nêu rõ “chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình là 6,043. Bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Đó chính là sự thật, là một Việt Nam luôn “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”.

Hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam gần 95 năm qua đều không nằm ngoài mục đích xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc; đảm bảo để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.

SNCG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *