Những người sợ bị lãng quên
Từng có danh tiếng trong xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau, khi hết tuổi công tác, rời nhiệm sở, không ít cá nhân tìm đủ mọi cách để người khác luôn nhớ đến mình. Thậm chí, họ nói những điều, viết những chuyện trái ngược với quan điểm tư tưởng của Đảng, Nhà nước; những điều mà cả thời gian trước đó họ đã nỗ lực phấn đấu, tôn thờ, “lên lớp”.
Hội chứng sợ bị lãng quên
Năm 2013, cụm từ “Fear of missing out” (FOMO-Hội chứng sợ bị lãng quên) đã được thêm vào cuốn từ điển nổi tiếng thế giới-Từ điển Oxford. Theo Từ điển Oxford, FOMO được hiểu một cách đơn giản là cảm giác sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ một điều gì đó. Những người mắc hội chứng FOMO là những người luôn có cảm giác bất an và thậm chí đôi khi là ám ảnh về việc người xung quanh sẽ đạt được một điều gì đó mà mình không đạt được. Từ đó, hội chứng này thôi thúc người mắc thực hiện một hành động gì đó tại thời điểm thiếu lý trí, dẫn đến quyết định sai lầm.
Trước đây, khi công nghệ còn ở mức lạc hậu, con người giao tiếp và thu nhận thông tin chủ yếu là trực tiếp thông qua hình thức trực diện. Nay, với sự phát triển của các kênh truyền thông, đặc biệt là internet, các hình thức giao tiếp của con người đã thay đổi và mở rộng ra các tương tác trên mạng xã hội. Công nghệ hiện đại và dịch vụ mạng xã hội cung cấp cơ hội để mọi người tham gia xã hội với chi phí cực thấp. Điều này làm cho hội chứng FOMO trở nên trầm trọng hơn. Sự phổ biến của nhiều loại mạng xã hội cũng như hàng loạt trang tin tức khiến FOMO ngày càng trở nên phổ biến.
Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân gây ra FOMO là do thiếu hụt sự thỏa mãn tinh thần tức thời hoặc dài hạn. FOMO phát sinh từ sự thiếu hạnh phúc. FOMO là một bệnh lý về tâm thần chỉ sự bất ổn về cảm xúc. Điều này đã được chứng minh là có liên quan đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và chứng nghiện internet. Những người mắc chứng FOMO có nhiều khả năng bị lôi cuốn vào các ứng dụng truyền thông xã hội như: Facebook, Twitter… Họ sử dụng các ứng dụng này như một nỗ lực để chứng tỏ bản thân và cảm thấy dễ dàng hơn khi tương tác qua phương tiện truyền thông xã hội hơn là giao tiếp trực tiếp với người khác. Khi mọi người sử dụng công nghệ để khẳng định mình bằng cách chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc, họ sẽ gián tiếp gửi đi thông điệp “Tôi chia sẻ vì vậy tôi tồn tại”.
“Đốt đền” dễ hơn “xây đền”
Tôi có một đồng nghiệp, vốn là một nhà văn ít nhiều có tên tuổi trong làng văn học-nghệ thuật. Thậm chí, anh ấy còn là một trong những nhà văn đương đại được công chúng yêu thích vì có các tác phẩm “chạm” vào trái tim người đọc. Hết tuổi công tác, anh ấy về nghỉ hưu. Khoảng một năm trời, anh ấy gần như biến mất. Hơi ngạc nhiên vì anh đồng nghiệp này vốn là người ham vui, thích tụ tập bạn bè. Lần gần đây nhất, chợt có người nói với tôi: “Anh V vừa đưa lên facebook một bài tiêu cực quá!”.
Mở facebook của anh ấy ra xem, đó là một bài viết có quan điểm trái ngược hoàn toàn với những gì trước đây anh ấy từng thể hiện là tâm huyết và nỗ lực phấn đấu. Bài viết đó mang khuynh hướng phủ nhận những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong suốt hành trình cách mạng từ năm 1945. Trong khi đó, chừng 40 năm công tác, tất cả những gì anh V viết đều vì dân, vì nước, góp phần khẳng định những thành tựu của cách mạng Việt Nam.
Câu chuyện về anh V thực ra không hiếm trên không gian mạng hiện tại. Cùng anh V, còn có nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực đang có tiếng nói đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ từng là những nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nghệ sĩ… có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Họ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng tương xứng. Họ đã nhận được vô vàn tình cảm nhân dân. Tuy nhiên, đáng tiếc, đến đoạn cuối con đường sự nghiệp, họ tự đi ngược lại chính lối đi mà họ đã chọn.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của việc đó chính là hội chứng FOMO.
Theo lẽ thường, để có danh trong xã hội, một người cần ít nhất một trong hai yếu tố: Vị trí xã hội và đóng góp xã hội. Trong thời gian còn công tác, những người như anh V, với những đóng góp nhất định, thường được ghi nhận và phát riển thành cán bộ lãnh đạo các cấp. Khi đó, họ hội tụ được cả hai yếu tố để có được danh tiếng trong xã hội. Đến lúc nghỉ hưu, yếu tố vị trí xã hội không còn, không ít người đã mang mặc cảm “cái tôi quan trọng” của mình mất đi. Vì thế, những người này thường nghĩ cách để “nổi tiếng” trở lại, để mọi người không quên mình.
Trên con đường tìm lại “danh tiếng” để thỏa mãn cái tôi, việc “xây đền”-dùng năng lực trí tuệ để sáng tạo những sản phẩm có ích cho xã hội luôn tốn thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc “đốt đền”-tạo scandal, thậm chí đi ngược lại quan điểm chính trị, xã hội chính thống.
Để tạo dựng danh tiếng, việc “đốt đền” dễ hơn rất nhiều việc “xây đền”. Thế nhưng, cái tiếng đạt được lại hoàn toàn khác nhau. Người “xây đền” tìm được “danh thơm”. Kẻ “đốt đền” luôn bị xã hội lên án.
Một nguyên nhân khác có thể khiến người ta “nói khác” sau khi về hưu. Đó là tư duy, khi không còn công tác, không còn đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo, sẽ không còn gì… để mất. Đó là thứ tư duy vụ lợi, vì lợi ích cá nhân mà không dám thể hiện đúng, đủ quan điểm của mình khi còn đương chức. Chỉ đợi đến khi, lợi ích cá nhân không còn có nguy cơ bị ảnh hưởng mới dám lên tiếng nói hết suy nghĩ của bản thân.
Giá trị con người và danh tiếng
Danh tiếng của một con người trong xã hội được tạo dựng bởi chính giá trị bản thân người đó. Vậy giá trị con người là gì?
Người xưa đã tổng kết giá trị con người bằng câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Cái mẽ, cái tiếng chỉ là vẻ bề ngoài. Điều làm nên giá trị của một con người là thứ ẩn sâu bên trong. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh-người đã cống hiến cả cuộc đời mình vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, các giá trị về con người được biểu đạt bằng lòng nhân ái, đức khoan dung, tình yêu nước nhiệt thành và sự trung thành tuyệt đối với sứ mệnh mà Tổ quốc, nhân dân giao phó. Trong các văn kiện, Đảng ta chủ trương xây dựng là hệ giá trị con người Việt Nam với những đức tính: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống vǎn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chǎm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, nǎng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Như vậy, tự cổ chí kim, hệ giá trị con người Việt Nam chưa từng xuất hiện tiêu chí “đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân”. Điều đó cũng có nghĩa, hành động “đốt đền” không phản ánh giá trị con người mà thậm chí ngược lại, trở thành một người đáng bị xã hội lên án.
Kết cục, có thể gói gọn giá trị của một con người bằng hai tiêu chí: Sự hoàn thiện bản thân và giá trị tạo ra cho xã hội. Mặc dù giá trị con người là ở bên trong nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta sử dụng nó để tạo ra giá trị cho xã hội. Một người thợ may giỏi, có danh tiếng, phải là người làm ra những trang phục làm đẹp. Một nhà văn, một nghệ sĩ muốn có danh thơm, phải là người sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa góp phần hoàn thiện các giá trị chân-thiện-mỹ. Một trí thức danh tiếng phải là người truyền bá tri thức cho nhân dân, giúp ích cho đất nước trên con đường phát triển…
“Những người sợ bị lãng quên” thường là những người từng có ít nhiều đóng góp cho xã hội. Ở một giai đoạn nào đó, hội chứng FOMO khiến họ lạc đường. Điều họ cần có lẽ chính là việc tự nhận thức lại hệ thống tiêu chí giá trị con người. Khi bằng tài năng, bằng tâm huyết, có những hành động, sản phẩm giúp ích cho xã hội, sẽ không bao giờ họ bị lãng quên.
(QĐND)