Đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay
Cuộc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác tư tưởng chính trị, công tác lý luận của Đảng, đòi hỏi phải ngày càng toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.
Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh – âm mưu ngoan cố, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp chính trị cao cả, một di sản tư tưởng lý luận đồ sộ, vô giá và trở thành một biểu tượng văn hóa của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và đã kiên trì vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Với dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động không từ thủ đoạn thâm độc nào, điên cuồng xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Dã tâm đó bắt đầu từ sớm, được thực hiện bởi chủ nghĩa thực dân câu kết với chủ nghĩa chống cộng, âm mưu thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hòng dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được gia tăng, gắn liền với những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ và xóa bỏ nền độc lập mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mới giành được. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế lực thù địch, phản động tập trung xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, sau đó từ năm 1954 thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất nước nhà.
Khi cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng văn hóa, tinh thần của dân tộc, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng, nhất là khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, thì các thế lực thù địch, phản động càng điên cuồng tìm mọi cách chống phá với nhiều thủ đoạn thâm độc, phương thức tinh vi, xảo quyệt hơn. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ bóp méo sự thật lịch sử, bôi nhọ nhân cách và phẩm giá, đến đánh giá phiến diện, sai trái; thậm chí, nguy hiểm hơn, chúng còn ca tụng một cách cực đoan, hòng tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và với Đảng Cộng sản Việt Nam…
Tất cả những âm mưu và thủ đoạn thâm độc đó của các thế lực thù địch, phản động đều nhằm phủ nhận giá trị và cống hiến to lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của Người đối với dân tộc, từ đó phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ; mưu đồ gây ra những bất ổn chính trị, tạo cớ cho sự can thiệp từ bên ngoài để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong chiến lược chống cộng, chiến lược “diễn biến hòa bình”, các nước đế quốc và các thế lực phản động rắp tâm tìm mọi cách “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, bài bác, phủ nhận tư tưởng của Người, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, âm mưu “lật đổ” trên lĩnh vực tư tưởng, mở đường cho cuộc lật đổ về chính trị.
Phương thức hoạt động chủ yếu hiện nay của các thế lực phản động quốc tế là tiến hành chiêu dụ, cấp tiền, o bế các tổ chức phản động lưu vong, lập nhiều quỹ với danh nghĩa “phi chính phủ”, “từ thiện” để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, hình thức tuyên truyền từ bên ngoài tác động vào bên trong, nhất là qua các trang thông tin quốc tế có xu hướng cực hữu chính trị, chống cộng, các phương tiện truyền thông xã hội, các đài phát thanh, kênh truyền hình… của một số đối tượng phản động, lưu vong, tổ chức phi chính phủ ở một số nước phương Tây.
Bên cạnh đó, ở trong nước, một số đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị được hậu thuẫn của tổ chức phản động nước ngoài, cũng ráo riết thực hiện hành vi tuyên truyền xuyên tạc thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng nhiều chiêu trò, nhất là sử dụng kỹ thuật, công nghệ chỉnh sửa, cắt ghép tư liệu lịch sử, tranh ảnh, phim tư liệu… để xuyên tạc, ngụy tạo những câu chuyện hoang đường, không có thật về Người. Thâm độc hơn, chúng cố tình “lập lờ đánh lận con đen”, đan cài thật – giả lẫn lộn, hòng làm vấy bẩn, bóp méo, xuyên tạc bản chất mác-xít, tính cách mạng, khoa học, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quyết tâm, nỗ lực bền bỉ của Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân trong bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng ta – có mối quan hệ mật thiết với cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Các văn kiện của Đảng thể hiện rõ và nhất quán quan điểm, nhận định, đánh giá về giá trị, cống hiến của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chính trị và củng cố niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo là, vững vàng kiên định và vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó tạo cơ sở, khuôn khổ pháp lý để ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Trong các bộ luật, các luật có điều khoản quy định về xử lý hành vi truyền bá, xuyên tạc tư tưởng và đường lối của Đảng, trong đó có xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như tại Điều 117, Điều 331 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012; Điều 9 Luật Báo chí năm 2016; Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018…
Công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó, đi đầu là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh là Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và các cấp, nhất là ban chỉ đạo 35 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Lý luận Trung ương… cùng hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản với hàng trăm tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình và đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, tuyên truyền viên… tạo thành mạng lưới đấu tranh ngày càng đông đảo và hiệu quả.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng ngày càng chặt chẽ với vai trò “lĩnh xướng” và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, ban chỉ đạo 35 các cấp; sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc trao đổi, cung cấp, xử lý thông tin và phối hợp đấu tranh.
Phương thức đấu tranh là vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch, phản động và có hình thức, biện pháp xử lý phù hợp tùy theo mức độ vi phạm; định hướng tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin chính thống, quản lý tốt nguồn thông tin, ngăn chặn kịp thời các thông tin, tài liệu sai trái; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lấy những kết quả từ sự vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng nước ta làm minh chứng sống động, thuyết phục để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, phản động…
Với các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài, chúng ta sử dụng, phối hợp các biện pháp, từ tuyên truyền, phản bác dựa vào luật pháp Việt Nam và quốc tế, đến sử dụng biện pháp ngoại giao để ngăn chặn từ xa, kịp thời. Đối với các tổ chức phản động lưu vong, các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị phía chính quyền nước sở tại phối hợp điều tra, ngăn chặn. Ngoài ra, dựa theo các căn cứ pháp lý của Việt Nam, như Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT và Luật An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook) gỡ bỏ nhiều thông tin vi phạm. Đối với các đối tượng ở trong nước, tùy vào mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng có biện pháp từ giáo dục, yêu cầu gỡ bỏ, xử phạt hành chính đến xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Lực lượng 47 (Bộ Quốc phòng), các lực lượng thuộc Bộ Công an, như Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… đã vô hiệu hóa được nhiều kế hoạch, “chiến dịch” của các tổ chức phản động lưu vong, các chương trình truyền hình, phát thanh tiếng Việt có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc lãnh tụ và Đảng, Nhà nước; dựng “tường lửa” ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa, tư tưởng xấu, độc trên mạng. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo 609 của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chỉ đạo 213 Trung ương về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật (nay hợp nhất thành Ban Chỉ đạo 35 Trung ương); cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên sâu, lực lượng tham gia đấu tranh ở từng cấp đã kiên trì, kiên quyết phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc; định hướng tuyên truyền kịp thời, góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đồng thời, tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại, mở thêm phiên bản tiếng nước ngoài của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản…, tích cực đưa những thông tin đầy đủ, chính thống về Việt Nam đến với bạn bè thế giới và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố vững chắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần xã hội. Xuất bản các bộ sách lớn như Hồ Chí Minh Toàn tập (15 tập), Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (10 tập)… với hàng nghìn tư liệu, sự kiện, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, tiêu biểu như Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước KX. 02, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với 13 đề tài nhánh, cùng hàng trăm đề tài khoa học các cấp; bên cạnh đó, hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản, đăng tải trên các phương tiện truyền thông, qua đó, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Người trong toàn xã hội, bổ sung những nguồn tư liệu quý, những luận cứ xác đáng, thuyết phục, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các cơ quan nghiên cứu, truyền bá, giảng dạy lý luận chính trị, khoa học của Đảng và Nhà nước, như Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng hệ thống luận cứ, luận điểm ngày càng vững chắc đấu tranh phản bác, bẻ gãy từ gốc bằng lý luận các luận điệu sai trái, thù địch, phản động. Bên cạnh đó, công tác lý luận của Đảng tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ; trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, càng khẳng định vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tiếp tục soi sáng, dẫn dắt sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Ban chỉ đạo 35 các địa phương đã kịp thời tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy các cấp; phối hợp hoạt động của các thành viên ban chỉ đạo 35, của các nhóm chuyên gia; xây dựng chương trình trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương. Ban chỉ đạo 35 các địa phương tập trung nắm chắc tình hình dư luận xã hội, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; báo cáo cơ quan thường trực để tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác định hướng thông tin, tuyên truyền; bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nhằm chủ động đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận rõ bản chất âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội, bảo đảm sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng, hành động; huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, phản động.
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu đơn vị vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác trên, nên lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát sao, kịp thời, dẫn đến sự phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh chưa thực sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả. Còn thiếu chương trình khoa học cấp nhà nước mang tầm quốc gia về vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Nhiều bài viết đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh còn thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, thiếu thuyết phục người đọc… Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh trên không gian mạng vẫn rất gay go, phức tạp; do tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, cùng sự suy thoái, “tự diễn biến” của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay… đã và đang làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một số giải pháp cần tập trung thực hiện để bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận, đồng thời để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy ở các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã đề ra.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm, ý thức chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, hình thành ý thức tự giác, thúc đẩy hành động tích cực trong việc bảo vệ, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, nhận diện và phân loại từng đối tượng, trên cơ sở xem xét ở nhiều mặt như động cơ, vai trò, nội dung các luận điệu, mức độ tác động… để đưa ra biện pháp đấu tranh thích hợp và có hiệu quả; tránh tình trạng hoặc xử lý thiếu kiên quyết, không triệt để hoặc cực đoan, tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá.
Thứ tư, tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, nghiệp vụ để ngăn chặn, sàng lọc, làm loãng, quản lý thông tin nhằm chủ động ngăn chặn sự lan truyền những luận điệu sai trái, thù địch và các trang mạng xấu, độc; xây dựng hệ bài viết có nội dung đấu tranh sắc bén và giàu tính chiến đấu, từng bước giành thế chủ động trên không gian mạng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, sắp xếp, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, nhóm chuyên gia, lực lượng nòng cốt (từ Trung ương đến địa phương), đổi mới mô hình và phương thức hoạt động; đặc biệt, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, các ban, ngành và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ năm, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, phản động phải đi liền với việc khẳng định và phát triển các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh; với việc rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, chú trọng nghiên cứu, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta qua hơn 35 năm đổi mới dưới sự soi sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh là minh chứng đanh thép, sống động và thuyết phục nhất để phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, đồng thời khẳng định giá trị, tính đúng đắn, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.