Từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơi lỏng, chủ quan, không được phép lơ là, mất cảnh giác; quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, tiếp tục giãn cách xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 15/4, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16 và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Cuộc họp thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân chờ đợi biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước nhiều luồng ý kiến đề xuất tiếp tục thực hiện cách ly xã hội nhưng xem xét điều chỉnh ở mức độ phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương và yêu cầu của công tác phòng, chống dịch nhằm bảo đảm thực tốt cả hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

3 nhóm nguy cơ

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thống nhất chia các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tương ứng. Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.

Ban Chỉ đạo kiến nghị nhóm có nguy cơ cao (12 tỉnh, thành phố): Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Nhóm có nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp và nhóm có nguy cơ thấp (36 tỉnh còn lại).

Tiếp tục giãn cách xã hội

Sau khi lắng nghe ý kiến Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là một quyết định rất khó khăn vì có nhiều ý kiến khác nhau do đòi hỏi của cuộc sống, công tác phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu của người dân. Thủ tướng cho biết đã nhận được nhiều nguồn thông tin đề xuất theo nhiều phương án khác nhau xung quanh việc triển khai các biện pháp tiếp tục cách ly xã hội trong giai đoạn tới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng đánh giá, trên góc độ chung, toàn xã hội đã thực hiện tốt, triển khai quyết liệt Chỉ thị 16, đạt kết quả tốt, đáng mừng. Do đó, việc khoanh ổ dịch, việc chữa trị có tiến triển tốt. Việt Nam chưa có người tử vong vì COVID-19 cho đến thời điểm này. Đây là điều rất đáng tự hào cần tổng kết, báo cáo.

“Chỉ có chế độ ta, Đảng và nhân dân chúng ta mới làm được những điều như vậy,” Thủ tướng nói đồng thời biểu dương những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ Chính phủ, tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các nhà khoa học, các doanh nghiệp tích cực sản xuất thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, lực lượng vũ trang… Chính phủ đánh giá cao các địa phương tập trung chỉ đạo chống dịch và sản xuất kinh doanh đảm bảo có mức tăng trưởng trong quý 1 và đạt chỉ tiêu kép đề ra trong bối cảnh hết sức khó khăn trong nước và quốc tế, được thế giới đánh giá cao.

Tung buoc giam dan cac bien phap gian cach xa hoi mot cach than trong hinh anh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành tích trong phòng, chống COVID-19, song Thủ tướng cũng chỉ rõ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm trong xã hội; trở thành những ổ dịch mới làm bùng phát dịch. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơi lỏng, chủ quan, không được phép lơ là, mất cảnh giác; quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, tiếp tục giãn cách xã hội; thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần có biện pháp cẩn trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại để tiến tới một giai đoạn khi dịch bệnh bị đẩy lùi thì cuộc sống trở lại bình thường với yêu cầu phòng dịch chặt chẽ, kịp thời, bởi chống dịch cần 1 nguồn lực rất lớn, 1 xã hội ổn định, đảm bảo an sinh, lâu dài, căn bản.

Thủ tướng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị mới triển khai biện pháp trong phòng, chống dịch ở mức độ cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh chiến dịch phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, khơi thông huyết mạch kinh tế, khởi động lại nền kinh tế ngay sau khi chống dịch thành công.

Thủ tướng lưu ý kiên định chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát triển nhanh, cách ly, khoanh vùng thực hiện hiệu quả, kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tối thiểu tử vong; giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội và chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng theo kịch bản đề ra.

Trong chỉ đạo cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể từng tỉnh, thành phố, địa phương theo hướng linh hoạt nhưng kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện mục tiêu kép trong phát triển đó là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tích cực vừa phát triển kinh tế xã hội để giải quyết việc làm, đời sống của người lao động.

12 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16

Chính vì vậy, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh…. chia làm 3 nhóm tỉnh có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp; thống nhất, nhóm này không phải là bất biến và sẽ được xem xét, đánh giá lại.

Đáng chú ý, Thủ tướng nêu rõ, nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu có tình trạng lây nhiễm xảy ra. Thủ tướng cũng cho biết có thể bổ sung các địa phương khác vào nhóm nguy cơ cao nếu trên địa bàn xảy ra lây nhiễm chưa được khoanh vùng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng hạ tầng, giao thông….

Đối với nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng… kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại tuy có nguy cơ thấp nhưng khả năng lây nhiễm còn rất cao do đó cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu hạn chế khuyến cáo đối với các hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm là: Mở cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bệnh nhân, phương tiện công cộng, tập trung đông người… Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh yêu cầu ngừng sản xuất kinh doanh nếu không đảm bảo phòng bệnh COVID-19.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Đối với các sự kiện quan trọng, cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30/4.

Các địa phương và doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài; đẩy mạnh hoạt động học trực tuyến, thanh toán trực tuyến; khuyến khích làm việc tại nhà đảm bảo thông suốt, đúng kế hoạch, thời hạn.

Bộ Công an có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trong thực hiện các Chỉ thị; tránh tình trạng đua xe, không tụ tập đông người…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, nhất là dịp 30/4-1/5 sắp tới.

Bộ Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm, cơ sở vật chất, hỗ trợ cán bộ y tế địa phương; nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch học tập, thi cử của học sinh đảm bảo an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *