Nhận diện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Điều 4 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, đưa ra những thủ đoạn nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, cho rằng học thuyết này chỉ phù hợp ở thế kỷ XIX, phù hợp với nền văn minh công nghiệp, còn sang thế kỷ XXI, thế kỷ của phát triển kinh tế tri thức, của toàn cầu hóa nên đã lỗi thời, bị lịch sử vượt qua; chúng phủ nhận những lý luận có tính khoa học về chủ nghĩa xã hội hiện thực, cũng như chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ phù hợp với các nước Tây Âu, không thích hợp với Việt Nam: “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Họ cho rằng không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”, rằng “con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang đi là trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”, chúng gieo rắc hoài nghi về sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội… Từ đó, chúng đòi đưa chủ nghĩa Mác – Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng. Các thế lực thù địch cũng ra sức xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa.

Ý đồ lâu dài của các thế lực thù địch là hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ định những quan điểm, lý luận đổi mới của Đảng; chúng đan cài những quan điểm giả danh “mácxít”, các triết lý, học thuyết, các giá trị của hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa vào xã hội Việt Nam; chúng luôn coi mũi tiến công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng là sự tiến công ý thức hệ, làm “đòn bẩy” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta để đi đến chuyển hóa trong Đảng; chúng tập trung khoét sâu những điểm yếu kém, hạn chế trong thực thi công vụ của các cơ quan, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp hòng phá hoại lòng tin vào Đảng, vào Chính phủ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và cuối cùng thực hiện mục tiêu “chiến thắng không cần chiến tranh”. Để thực hiện ý đồ này, các thế lực thù địch tập trung sử dụng 3 nhóm đối tượng cơ bản sau làm công cụ, bao gồm: Một là, nhóm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Trong đó bao gồm cả những nhà chống cộng khét tiếng và cả những nhà lãnh đạo của một số quốc gia phương Tây. Hai là, nhóm phần tử cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo, kết hợp với một số văn sĩ, trí thức chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Nhóm 8406, Quỹ người Thượng, Hội phụ nữ nhân quyền, Ủy ban cứu người vượt biên, Tổ chức liên minh tự do… Ba là, một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” và một số người dân nhận thức còn hạn chế, bi quan, bị lôi kéo, kích động, mua chuộc. Chính những nhóm đối tượng này đã tham gia tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch và đẩy mạnh sự tương tác trên không gian mạng trong thời gian qua.

Nhận diện rõ những âm mưu và đối tượng trên, chúng ta cần thiết phải tập trung thực hiện tốt một số giải pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay như sau:

Thứ nhất, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ chuyên sâu của các cơ quan chuyên môn mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Công tác đấu tranh, phòng chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Công cuộc đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đến công chức, viên chức, hội viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tạo ra sức đề kháng, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những luồng thông tin xuyên tạc, sai trái.

Thứ hai, xây dựng và tổ chức lực lượng nòng cốt phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, lực lượng tham gia đòi hỏi phải đủ bản lĩnh chính trị, kiên định vững vàng nền tảng tư tưởng của Đảng, có trình độ chuyên môn sâu, khả năng đấu tranh sắc bén, chủ động trong nắm bắt tình hình, hình thành được những luận cứ, luận điểm đấu tranh trên cơ sở khoa học, chính xác, thống nhất… đảm bảo sẵn sàng tuyên truyền và vạch trần những quan điểm sai trái trên các mặt trận mà các thế lực thù địch hướng tới.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội, không dao động trong bất kỳ tình huống nào, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, loại bỏ sự giáo điều, bảo thủ, trì trệ.

Thứ tư, thực hiện đa dạng và mở rộng các hình thức đấu tranh; kết hợp đấu tranh với tuyên truyền, giáo dục, giải thích rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Định hướng dư luận, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, khơi dậy hành động tự giác của quần chúng nhân dân trong đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch, bởi cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân, nhân dân chính là người sáng tạo ra các hình thức đấu tranh, huy động những người dân có tinh thần yêu nước chân chính, có năng lực, dũng khí tham gia đấu tranh, từ đó dần hình thành nên phong trào toàn dân đấu tranh chống các tư tưởng, quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ năm, ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Mỗi tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị cần phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từng cán bộ, đảng viên phải biết tự bảo vệ mình, không có bất kỳ lý do nào đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho sự “vô tình” hay “cố ý”. Bảo vệ chính mình thông qua sự gương mẫu, thông qua sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tránh xa sự quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, sức hấp dẫn của đồng tiền, chức vị…

 (Kim Thoa)         

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *