Nhận diện và đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng nhân quyền để chống phá Việt Nam
Nhân quyền là một trong những chiêu bài quen thuộc được các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thường xuyên sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Các thủ đoạn mà chúng thường sử dụng đó là: Lợi dụng sự khác biệt trong quan điểm, nhận thức về vấn đề quyền con người để công kích, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ XHCN, đả kích vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thể chế chính trị Việt Nam; triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, phân hóa xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội, việc bắt, xử lý các đối tượng chống đối chính trị… để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền; gắn vấn đề nhân quyền với vấn đề tôn giáo, dân tộc, lợi dụng những thiếu sót, hạn chế trong quá trình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam để vu cáo, kích động đòi “tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo”, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân…
Nhưng có một sự thật là từ trước tới nay, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ngừng mở rộng dân chủ XHCN, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, hội họp… Cùng với đó, rất nhiều chính sách an sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước triển khai nhằm hướng tới người nghèo, người yếu thế, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo… Mới đây, nhân dịp Quốc khánh 2/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người, trong đó có cả người nước ngoài. Đây không chỉ một việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trao cơ hội thứ hai cho những người đã một thời lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời mà còn tiếp tục phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, là minh chứng rõ nét nhất bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền của các thế lực thù địch, phản động…
Lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam luôn là một trong những thủ đoạn nguy hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Vì vậy, hiểu đúng về vấn đề nhân quyền và bản chất của việc lợi dụng nhân quyền, giúp nâng cao cảnh giác cách mạng, đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để chúng ta đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
BBT