CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN KÍCH ĐỘNG, KỲ THỊ, CHIA RẼ DÂN TỘC

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dãi đất hình chữ S; dân số, địa bàn sinh sống giữa các dân tộc rất khác nhau, trong đó địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Các dân tộc thiểu số sống xen kẽ, cộng cư với nhau. Trình độ phát triển về kinh tế, xã hội của các dân tộc thiểu số không cao. Đây là một vấn đề do địa bàn cư trú và do lịch sử để lại. Lợi dụng đặc điểm này, vừa qua trên trang mạng Việt Nam Thời báo, các thế lực thù địch, phản động đã phát tán bài viết “Người Mông báo cáo Liên hp quốc về việc bị chính phủ Việt Nam kỳ thị” với nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam “ngược đãi” người dân tộc thiểu số; “xóa bỏ” bản sắc văn hóa, chữ viết của người Mông; đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế ngừng hợp tác với Việt Nam vì vấn đề bảo đảm nhân quyền… Đây là âm mưu, thủ đoạn hết sức nguy hiểm nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Hiến pháp 2013 của Việt Nam khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của Hiến pháp Việt Nam và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan. Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Theo thống kê hiện nay, ngoài Hiến pháp, Quốc hội nước ta đã ban hành 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách liên quan công tác dân tộc. Đáng chú ý là, Quốc hội Khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số: 88/2019 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quốc hội khoá XV ban hành Nghị quyết số: 120 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình này là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp nhiều nội dung chương trình, dự án, chính sách; là chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc, bởi lần đầu tiên ở nước ta có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Như vậy, qua hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm; Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Điều đó càng khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có lý do gì, lợi ích gì để thực hiện chính sách kỳ thị dân tộc. Vì kỳ thị và phân biệt đối xử không đem lại lợi ích gì, trái lại chỉ làm tổn thương đến chế độ xã hội, đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Bởi vậy, có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, ở Việt Nam không có chuyện kỳ thị, phân biệt, chia rẽ dân tộc như các thế lực thù địch, phản động đã rêu rao, vu cáo.

(NA.PB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *