Không thể lợi dụng cái chết của bé gái 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh để phủ nhận kết quả công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam
Vừa qua, vụ việc bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ kế hành hạ đến tử vong đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và cộng đồng mạng. Lợi dụng vụ việc thương tâm này, các thế lực thù địch, phản động đã tán phát lên mạng xã hội nhiều bài viết xuyên tạc, vu cáo rằng:“Quyền trẻ em ở Việt Nam không được đảm bảo;Việt Nam là quốc gia đang thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em”… từ đó, phủ nhận sạch trơn những nỗ lực, thành tựu trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của nước ta.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em năm 1990; Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Quốc hội thông qua “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” (năm 1991); “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” (sửa đổi năm 2004); “Luật Trẻ em” (năm 2017). Chính phủ có Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020 – 2025 và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”…
Trên cơ sở định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện khá kịp thời, hiệu quả, bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề về trẻ em hiện nay như phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em… Đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm còn 5%; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; các vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý kịp thời; tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi giảm nhiều… Rõ ràng công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều thành tựu quan trọng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hoàn toàn không như những gì mà các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc, vu cáo.
Về vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong, sau khi vụ án xảy ra, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, điều tra, củng cố chứng cứ nhanh, quyết liệt, hiệu quả, bắt khởi tố cả cha đẻ và tình nhân bạo hành cháu bé. Đồng thời qua vụ án này, Chính phủ cũng đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em. Chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, để các em được phát triển toàn diện, không phải sống trong lo sợ và thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần; bên cạnh đó mỗi người cũng phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch nhằm gây kinh động, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
(BBT)