Cái kết đắng dành cho những kẻ ngây thơ nghĩ rằng môi trường ảo thì… không tạo ra hậu quả thật!
Mới đây, ngày 26/11/2019, hai đối tượng là Phạm Văn Điệp (sinh năm 1965, trú tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tù 9 năm và Nguyễn Chí Vững (sinh năm 1981, trú tại xã Định Thành, huyện Đông Hải) bị Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu tuyên 6 năm tù cùng với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên tuyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Điểm giống nhau của hai đối tượng trên đều là thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để tuyên truyền chống phá Nhà nước. Thông qua mạng xã hội, Phạm Văn Điệp và Nguyễn Chí Vững đã phát tán, tuyên truyền, chia sẻ các thông tin, tài liệu, vật phẩm, bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, chế độ XHCN, xúc phạm, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước đó, vào ngày 15/11/2019, đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh (giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An) cũng bị tuyên án 11 năm tù, phạt quản chế 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù vì tội danh tương tự.
Theo những gì VOA đăng tải, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) liên tục có các lời kêu gọi chính quyền các quốc gia và các nhà tài trợ hữu quan, cũng như Facebook và các công ty Internet khác đang hoạt động ở Việt Nam cần công khai lên tiếng phản đối các trường hợp “nhà bất đồng chính kiến bị tù giam chỉ vì đăng tài liệu lên mạng xã hội”. VOA cũng dẫn lời của John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của HRW rằng “Những người sử dụng Facebook ở Việt Nam đang bị tù đày chỉ vì sử dụng nền tảng mạng xã hội này đúng mục đích thiết kế: để chuyển tải thông tin và ý kiến đến những người sử dụng khác”…
Lại là một luận điệu “lập lờ đánh lận con đen” hết sức nực cười của tổ chức chuyên chụp mũ, vu khống, xuyên tạc về Việt Nam! Trong thực tế, Nhà nước Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin trên không gian mạng. Công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật. Đồng nghĩa với việc truyền tải thông tin và ý kiến đến người khác là một quyền được tôn trọng. Đương nhiên, đó phải là những thông tin và ý kiến chính xác, lành mạnh, chứ không phải là những “thông tin và ý kiến” xấu, độc, phục vụ cho mục đích chính trị xấu xa, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác của những kẻ cơ hội, phản động. Hành động của những kẻ ngông cuồng, nuôi ảo tưởng về “quyền lực”, muốn làm “người hùng”… trên các trang mạng xã hội, thông qua việc kích động, lôi kéo người dân chống phá Nhà nước, gây rối trật tự, hạ thấp uy tín của cơ quan công quyền… thì cần phải bị trừng trị thích đáng để làm hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai ngây thơ nghĩ rằng môi trường ảo thì…không thể tạo ra hậu quả thật!
Từ những trường hợp trên làm chúng tôi liên tưởng đến Trần Thị Tuyết Diệu – một “cựu nhà báo” ở Phú Yên. Theo đó, Trần Thị Tuyết Diệu là kẻ chuyên núp bóng dưới các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” đã đăng rất nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, chống phá Đảng, phỉ báng chính quyền nhân dân, chửi bới chế độ, xúc phạm lãnh tụ, miệt thị nhân dân… thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube. Trần Thị Tuyết Diệu cũng thường xuyên lu loa về việc quyền tự do ngôn luận của ả bị ngăn cấm. Vậy, Trần Thị Tuyết Diệu đã dùng quyền tự do ngôn luận để nói những điều gì? Đó có phải là những phát ngôn với nội dung thông tin chính xác, chân thực không hay chỉ là những điều xằng bậy, xấu xa, độc hại? Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Những hành vi có tính chất nghiêm trọng gây tổn hại đến an ninh chính trị quốc gia, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và thể chế chính trị chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Từ những gì mà Trần Thị Tuyết Diệu đã đăng trên các trang Facebook, Youtube của mình thời gian qua, đối tượng này cần phải bị xử lý thích đáng để góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường, không gian mạng tại Việt Nam!
Mộc An