Không thể phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam; chúng xuyên tạc, vu cáo, bôi đen tất cả mọi thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã giành được, trong đó có lĩnh vực Giáo dục và đào tạo – Một lĩnh vực vô cùng quan trọng, được Đảng, Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu”, tập trung rất nhiều nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu mà các đối tượng xấu hướng đến là làm suy giảm uy tín của nền giáo dục; phủ nhận thành tựu giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng bất mãn, chống đối với chính quyền, dần dần đi đến thay đổi đường lối chính trị theo những mưu đồ của họ. Để thực hiện mục tiêu đó, thủ đoạn thường dùng của của chúng là lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo để xuyên tạc, vu khống, quy chụp khi cho rằng: “chính quyền không quan tâm đến giáo dục; “nền giáo dục Việt Nam đầy bất công, tiêu cực”, “nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và bọn họ đòi bỏ phần giáo dục lý luận chính trị. Mặt khác, chúng ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây và Mỹ, coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước”, đòi loại bỏ các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi chương trình đào tạo; giảng viên, sinh viên phải được tự do về tư tưởng, không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào bất cứ hệ tư tưởng nào…
Những luận điệu trên hoàn toàn vô căn cứ, cố tình phủ nhận, xuyên tạc thực tiễn phát triển nền giáo dục ở Việt Nam trong thời gian qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nước ta đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010; giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Đối với những nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm việc tiếp cận giáo dục. Cùng với đó, chất lượng giáo dục cũng đang được nâng cao. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học… Theo bảng xếp hạng The Impact Rankings được Tạp chí Times Higher Education (THE) công bố vào tháng 4-2022, nước ta có 7 cơ sở giáo dục vào top 1.000 trường đại học có ảnh hưởng thế giới. Điều này cho thấy những nỗ lực phát triển giáo dục của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây là minh chứng rõ ràng khẳng định nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong bảo đảm công bằng trong giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Xin được nói thêm rằng, trong một hệ thống giáo dục rộng lớn, không tránh khỏi có những sai lầm, nhất là dưới tác động của nền kinh tế thị trường, thì điều đó càng khó tránh khỏi. Cho nên một số lỗi, một số khuyết điểm của cả giáo viên và học sinh, một số sai sót trong các khâu của giáo dục, đào tạo không thể đổ lỗi cho cả hệ thống. Chúng ta không phủ nhận giáo dục, đào tạo vẫn có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các “nhà dân chủ cuội”, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam có thể trắng trợn xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn, “đổi trắng thay đen” bản chất của nền giáo dục nước của nước ta. Do đó, nhìn nhận đánh giá cũng như trong việc tiếp nhận thông tin về những vấn đề của nền giáo dục nước nhà, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác trước những luận điệu sai lệch, xuyên tạc, theo mục tiêu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
(CTH)