KHÔNG CÓ “TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM” MÀ CHỈ CÓ NHỮNG KẺ TÁNG TẬN LƯƠNG TÂM!

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp cuối năm là các tổ chức thiếu thiện chí, phản động lại tung ra các báo cáo thường niên bàn luận về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Trong đó, chúng rêu rao, vu khống Việt Nam “vi phạm nhân quyền trầm trọng”, “vi phạm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội”, “tuỳ tiện bắt bớ, giam giữ các tù nhân lương tâm, nhà bất đồng chính kiến”… Tất cả những luận điệu xuyên tạc, dối trá trên đều hòng phục vụ mục đích chính trị đen tối của chúng là phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Vậy sự thật thì sao?

Về thành tựu trong công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đến năm 2010 Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2011 tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động chỉ còn 2%. Việt Nam được quốc tế thừa nhận đã thực hiện tốt các “mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc (giai đoạn 2001-2015). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,8%. Năm 2019 chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,704 và xếp ở nhóm nước trung bình cao; năm 2021 chất lượng sống của Việt Nam xếp hạng 62/165 quốc gia… Đặc biệt, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt chính sách an ninh xã hội được Đảng, Nhà nước Việt Nam triển khai nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo, như gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021)… là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây chính là minh chứng rõ ràng, chân thực nhất về bảo đảm quyền con người…  Trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, những thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được chính là minh chứng sống động cho việc ở Việt Nam con người luôn là trung tâm, là động lực của quá trình phát triển đất nước. Có thể thấy, việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 chính là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời, khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Về những kẻ mà các tổ chức và các thế lực thù địch gọi là “tù nhân lương tâm”, như: Lê Công Định, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Đài, Phạm Đoan Trang… Cần khẳng định lại một lần nữa rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, mà chỉ có những kẻ táng tận lương tâm lợi dụng dân chủ, nhân quyền thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chế độ, bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Tù nhân lương tâm” về bản chất là sự đánh tráo khái niệm nhằm cổ súy cho những kẻ đột lốt “dân chủ”, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của công dân, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ nhân quyền, nhưng Việt Nam kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hành động đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lợi dụng quyền tự do để chống phá Đảng, chính quyền và nhân dân.

Công cuộc đấu tranh với các thủ đoạn xuyên tạc, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm vào Việt Nam còn lâu dài và phức tạp, đòi hỏi mỗi chúng ta cần cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo, cảnh giác trước cái gọi là “tù nhân lương tâm ở Việt Nam”, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ để nhận diện và vạch trần bản chất của các luận điệu xuyên tạc, góp phần đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

M.A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *