Liên tục suốt nhiều năm qua, các tổ chức như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW), Ân xá quốc tế (Amnesty International – AI), Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières – RSF), Ngôi nhà tự do (Freedom House – FH)… núp dưới vỏ bọc “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, liên tục tung ra các bản báo cáo xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ “không có tự do” trên thế giới hòng tạo cớ can thiệp, hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” thâm độc của chúng. “Bảng xếp hạng tự do toàn cầu năm 2023” của Freedom House vừa được công bố mới đây cũng không ngoại lệ. Trong bảng báo cáo của mình, tổ chức này lại tiếp tục vu khống không biết ngượng rằng: “Việt Nam bị Đảng Cộng sản cầm quyền trong nhiều thập kỷ. Các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và các hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế chặt chẽ”, “chính quyền ngày càng kìm hãm việc người dân sử dụng mạng xã hội và internet để lên tiếng và chia sẻ thông tin”, “Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia đàn áp nhân quyền nhiều nhất trên thế giới”… Ngay sau đó, các tổ chức, đối tượng cơ hội, thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam đã liên tục “mượn gió bẻ măng”, “té nước theo mưa”, đưa ra vô số luận điệu sai sự thật hòng xuyên tạc tình hình thực tế của đất nước, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Đây là thủ đoạn không có gì mới mẻ song hết sức nguy hiểm, cần phải bị vạch trần!
Thực tế, trong thời gian qua, công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được các cấp, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả; các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân… ngày càng được hoàn thiện để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo đạt hiệu quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, nhất là quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc Việt Nam nhận được tín nhiệm cao và trúng cử trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 không chỉ khẳng định niềm tin của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, mà còn cho thấy sự coi trọng của bạn bè quốc tế đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Về cái gọi là “Bảng xếp hạng tự do toàn cầu năm 2023” của Freedom House, đây tiếp tục là một bản báo cáo xuyên tạc, vu khống trắng trợn, phản ánh sai thực tiễn khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới đều khẳng định không có quyền tự do cá nhân nào được phép đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính trị, lợi ích của Nhà nước. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Việc các tổ chức thù địch, phần tử cơ hội, phản động cố tình lươn lẹo, lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo khái niệm hòng bao che, dung túng cho những phần tử chống đối thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là hành động không thể chấp nhận được, cần phải bị lên án mạnh mẽ!