BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, VU CÁO VIỆT NAM ĐÀN ÁP MẠNG XÃ HỘI
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo về tình hình tự do thông tin, tự do Internet, mạng xã hội ở Việt Nam nhằm kích động, tạo cớ để các tổ chức bên ngoài can thiệp vào nước ta. Chúng xuyên tạc rằng, ở Việt Nam mạng xã hội bị đàn áp và mạng xã hội không có tự do thông tin, người dùng mạng xã hội không được bày tỏ chính kiến, suy nghĩ của mình… Có thể khẳng định rằng, đây là những luận điệu hoàn toàn xuyên tác, bịa đặt.
Cần khẳng định rằng, trong những năm qua, mạng xã hội ở Việt Nam hoạt động tự do và người tham gia mạng xã hội được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền lợi bằng các quy định của pháp luật, tránh bị xâm hại bởi những kẻ xấu hoạt động trên không gian mạng. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do Internet. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, một phần là nhờ tận dụng tốt cơ hội từ Internet, chính việc tạo điều kiện phát triển tự do về Internet và mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đất nước.
Chúng ta biết rằng, người dân sử dụng mạng xã hội như là một phương tiện để giải quyết các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ, kết nối với người dân… Đến nay, tại Việt Nam có rất nhiều trang mạng xã hội đăng ký hoạt động và có khoảng trên 76 triệu người dùng mạng xã hội. Trong đó, Facebook, My Space, Twitter, các blog… là những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất. Với cơ chế hoạt động của mạng xã hội có tính chất tương tác cao, mọi người dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau, cũng như tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu hoạt động riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, thực hiện quyền tự do Internet, mạng xã hội luôn được đặt trong khuôn khổ của pháp luật. Bởi vì, bên cạnh những thông tin chính thống, bổ ích, có tính giáo dục, giải trí lành mạnh thì các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, cổ súy cho lối sống lệch chuẩn cũng được các đối tượng xấu đưa lên mạng xã hội với các mục đích khác nhau. Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vu khống, nói xấu, kích động… diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và công việc, tài sản của các tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, cũng như tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa, nguy cơ làm xói mòn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, cùng với việc tạo điều kiện phát triển mạng xã hội, cũng cần phải có các chế tài nghiêm minh của pháp luật và sự quản lý của nhà nước đối với mạng xã hội.
Thời gian qua, để tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản vi phạm pháp luật như: Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 72/2013/NÐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; các bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… Nhờ đó mới bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam.
Điều này là hoàn toàn phù hợp và không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, ngay ở nước Mỹ, quốc gia tự cho mình là “đất nước tự do”, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay vi phạm sở hữu trí tuệ… Như vậy có thể khẳng định ở Việt Nam không hề có chuyện đàn áp mạng xã hội, hay cấm đoán người dân tham gia mạng xã hội, mà trái lại việc người dân tham gia mạng xã hội còn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển, cũng như bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm hại của những kẻ xấu.
(HTH)