Báo cáo của USCIRF – vẫn “bổn cũ soạn lại”
Dung lượng và kết cấu phần báo cáo về Việt Nam năm nay của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) Mỹ giống báo cáo năm 2020, vẫn không phản ánh đúng bản chất tình hình, mà thậm chí cố tình phớt lờ những thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Phúc trình sai sự thật
Ngày 21/4, USCIRF ra bản phúc trình năm 2021 về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Báo cáo của USCIRF ghi nhận một số tiến triển tích cực trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam như việc Chính phủ Việt Nam nỗ lực xây dựng nền tảng trực tuyến liên ngành để giám sát, theo dõi việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại của các cá nhân, tổ chức tôn giáo; thực hiện tái định cư cho những người Mông Cơ đốc giáo không hộ tịch đang cư trú ở Tiểu khu 179, Lâm Đồng; trả tự do cho A Đảo thuộc “Danh sách các tù nhân lương tâm tôn giáo” của USCIRF.
Tuy nhiên, USCIRF vẫn đánh giá rằng tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam năm 2020 nhìn chung “tiêu cực” như trong năm 2019 và tiếp tục đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC. Một điểm đáng chú ý là dung lượng và kết cấu của báo cáo năm nay giống như báo cáo năm 2020 khiến người ta không khỏi nghi ngờ về khả năng USCIRF vẫn “bổn cũ soạn lại” với những cáo buộc vu khống về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Sự khác biệt duy nhất mà USCIRF đưa ra lại là bày tỏ quan ngại về việc áp dụng Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước của Việt Nam – hai luật đang ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng và xử lý với hình phạt mạnh.
Chưa hết, để tạo nên “dàn đồng ca”, cùng lúc với việc USCIRF tung ra báo cáo thì các trang mạng như RFA, BPSOS… lại phát tán các bài viết về vấn đề sắc tộc người Tây Nguyên, trong đó có nhiều nội dung sai trái, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; cho rằng đa số người dân Tây Nguyên sống trong nghèo nàn, lạc hậu, bị phân biệt đối xử, bị chính quyền bức hại, phải tìm cách để vượt biên, trốn khỏi Việt Nam…
Thực tế, đây chỉ là những lời xuyên tạc, sai sự thật bởi lần nào vào Việt Nam, đại diện của USCIRF cũng chỉ ưu tiên tiếp xúc số chức sắc, nhà tu hành và số tín đồ có thái độ chính trị xấu, mang nặng tư tưởng tôn giáo cực đoan, ít nhiều từng có hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm đến an ninh trật tự.
Và trong những lần gặp gỡ đó, USCIRF thường công khai bày tỏ quan điểm sẵn sàng tài trợ bất hợp pháp cho số này hoạt động chống đối trong tôn giáo, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước. Được khích lệ, hứa hẹn bảo trợ, các đối tượng chống đối tích cực cung cấp thông tin, tài liệu vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống Việt Nam.
Lời kể của người trong cuộc
Trong khi đó, thực tế cho thấy, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có chính sách bảo đảm phát triển tự do, công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo. Như ở Mường Nhé, mảnh đất ở cực Tây của Tổ quốc thuộc tỉnh Điện Biên – nơi mà hơn 10 năm trước được biết đến với vụ bạo động, đòi thành lập “Vương quốc Mông” bất thành…, việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi.
Nếu như trước đây, thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm Tin lành phải từ 20-25 năm trở lên thì nay, chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục, thường xuyên, cộng thêm một số điều kiện khác là đã được đăng ký. Thậm chí, Mường Nhé còn là một trong những huyện thành công nhất ở Điện Biên trong việc cấp phép cho các điểm nhóm Tin lành.
Nói về việc này, ông Giàng Hồng Sinh, người phụ trách trực tiếp giảng đạo ở điểm nhóm Tin lành thuộc bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết, bà con rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước khi được cùng nhau tề tựu, sinh hoạt tôn giao tại căn nhà gỗ khang trang hơn 150m2. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến rất đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.
Còn ở tỉnh Gia Lai, đặc biệt là huyện Đak Đoa, nơi có đông đồng bào thiểu số theo tôn giáo và từng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến Tin lành Degar, sinh hoạt tôn giáo của bà con cũng luôn được quan tâm, tạo điều kiện. Chính vì thế mà nơi đây đã chứng kiến rất nhiều người từng sa chân, lỡ bước nghe theo lời của những kẻ xấu xúi giục nhưng sau đó tỉnh ngộ, quay trở về quê hương làm ăn sinh sống.
Ông Y Bome (người Ba Na, 65 tuổi) ở làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa là một nhân chứng sống. Hoạt động cho Fulro từ trước năm 1975, sau khi Gia Lai được giải phóng, ông Y Bome đã bị bắt đưa đi cải tạo nhưng lại trốn trại và tiếp tục hoạt động Fulro cho đến năm 1999 thì nhận sự chỉ đạo từ đối tượng Ksor Kơk ở Mỹ, kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức biểu tình tại Pleiku với số lượng rất đông. Sau sự kiện ngày 2/2/2001, ông bị bắt với tội danh “Phá rối an ninh”. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, các tổ chức phản động đã dựng nhân vật này thành “Tỉnh trưởng Gia Lai” của cái gọi là “Nhà nước Degar tự trị”.
Ngày 6/3/2012, sau hơn 11 năm chấp hành án phạt, ông Y Bome trở về quê hương, quyết tâm gây dựng lại cuộc sống. Giờ đây, khi nói về những trải nghiệm cay đắng đó, ông Y Bome vẫn hối hận, chỉ mong sao ngày càng có nhiều người hiểu được và tránh xa những suy nghĩ lệch lạc sai trái mà những kẻ xấu dụ dỗ để không lầm đường, lạc lối.
“Các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nếu 54 dân tộc, ai cũng muốn xé đất nước ra để thành lập nhà nước riêng thì làm sao có đất để ở. Tranh giành nhau đất đai thôi cũng sẽ bất ổn, đất nước không thể phát triển. Tốt hơn hết là đừng nghe những điều họ nói”, ông Y Bome tâm sự.
Và những thành tựu không thể chối bỏ
Rõ ràng, những đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bản phúc trình của USCIRF đã không phản ánh đúng bản chất vấn đề cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số với 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Nhà nước Việt Nam rất quan tâm trong việc thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (tăng 10 tôn giáo với 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo).
Năm 2018 và 2019, 3 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo: Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky – tô Việt Nam; 1 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo: Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.
Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm tự do sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đăng ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật.
Tính đến năm 2020, khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tại khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 tín đồ đạo Tin lành đang sinh hoạt tại 14 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm, trong đó chính quyền địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho gần 800 điểm nhóm…
Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo Hiến chương, điều lệ, được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh, sách tôn giáo; nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự; mở rộng quy mô và hình thức sinh hoạt; tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế…
Đặc biệt, ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước…
Như vậy, phải khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Nếu muốn đánh giá về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, cần phải có thái độ khách quan, công tâm và coi trọng sự thật thay vì xuyên tạc, vu cáo mang mục đích chính trị nhằm kêu gọi hoạt động chống phá chính phủ và Nhà nước Việt Nam.