Vạch trần chiêu bài mượn áo “tự ứng cử” để phá hoại bầu cử
Chiêu trò mượn áo “tự ứng cử” của các đối tượng chống đối nhằm reo rắc trong dư luận những quan điểm lệch lạc sai trái, phá hoại bầu cử.
Những kẻ mang danh “ứng cử viên độc lập” để phá hoại bầu cử
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trải qua một quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên đã hình thành.
Tuy nhiên, cũng chính vào giai đoạn quan trọng này của cuộc bầu cử, các thế lực thù địch luôn tận dụng cơ hội để gia tăng các hoạt động chống phá, tung ra các luận điệu sai trái đi ngược lại với thực tế của cuộc bầu cử.
Vừa qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế 1 lần nữa lại ngang ngược đưa ra những nhận định phi lý, thiếu thực tế về công tác tổ chức bầu cử tại Việt Nam. Tổ chức này cho rằng trước ngày bầu cử Quốc hội, chính quyền Việt Nam đang tiến hành đợt đàn áp mới với việc bắt giữ và truy tố các cá nhân mà tổ chức này gọi là các ứng cử viên độc lập.
Một loạt các trang báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam cũng lập tức theo sau nhận định phi lý này để tiếp tục xoáy vào chiêu bài người tự ứng cử, ứng cử viên tự do ở Việt Nam theo cách gọi của họ với mục tiêu lợi dụng dân chủ, xuyên tạc tình hình bầu cử tại Việt Nam, dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử. Vậy sự thật về các cá nhân tự ứng cử mà các thế lực thù địch và báo chí thiếu thiện chí vẫn hết mực quan tâm và cổ vũ hàng ngày là ai?
Kêu gọi cử tri không biết không bầu, dùng các ngôn từ xấc xược hạ thấp uy tín vai trò lãnh đạo của Đảng, công kích chính quyền, miệt thị nhân dân. Tác giả của những phát ngôn chống đối trên trang mạng này chính là một đối tượng đã nộp hồ sơ tự ứng cử.
Một kẻ khác mới nộp hồ sơ tự ứng cử, chưa trở thành ứng cử viên nhưng đã ngang nhiên lên mạng xã hội tự khoác cho mình cái áo của ứng cử viên đại biểu Quốc hội để rầm rộ các hoạt động nực cười gọi là tranh cử như: Đối thoại với cử tri, tranh luận cùng các đối tượng bất mãn khác trong đó liên tục bôi nhọ Đảng, công kích chính quyền, nói xấu chế độ nhằm reo rắc trong dư luận những quan điểm lệch lạc sai trái, gây nhiễu loạn thông tin, xuyên tạc thông tin nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc bầu cử.
Hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ núp dưới chiêu bài tự ứng cử nhằm phá hoại bầu cử đã quá rõ ràng. Ngày 29/3, Công an Thành phố Hà Nội đã bắt tạm giam Lê Trọng Hùng, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là người tự ứng cử và liên tục có những hành vi, phát ngôn phỉ báng chính quyền, chống phá Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trước đó, cũng với tội danh tương tự, Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã bắt giữ đối tượng Trần Quốc Khánh, người cũng đã rêu rao sẽ tự ứng cử và từ nhiều năm qua đã liên tục đăng tải trên mạng xã hội các bài viết xuyên tạc nói xấu chính quyền.
Bên cạnh đối tượng tự ứng cử bị bắt vì vi phạm pháp luật, 1 số người tự ứng cử khác bị loại vì không đủ tiêu chuẩn và có không ít trong số họ có mưu đồ xấu.
Họ biết chắc mình khó trở thành ứng cử viên nên chỉ chờ bị loại để lấy cớ ăn vạ lu loa, bôi xấu qui trình bầu cử, chúng triệt để tận dụng cái mã ứng cử viên độc lập bị loại để lên mạng rêu rao là bị phân biệt, rằng hệ thống bầu cử Việt Nam thiếu minh bạch và không công bằng.
Màn kịch lặp đi lặp lại của các đối tượng chống đối mỗi kỳ bầu cử
Chiêu trò mượn áo tự ứng cử của các đối tượng chống đối nhằm phá hoại bầu cử đã lặp lại từ nhiều kỳ bầu cử trước. Đây là những đối tượng thường xuyên có hành vi chống đối chính quyền, chúng biết rõ chúng không bao giờ đủ tiêu chuẩn vào được danh sách ứng cử viên, nhưng nguy hiểm hơn, chúng trắng trợn coi đây là dịp tốt để reo rắc những quan điểm sai trái, lệch lạc, đầu độc dư luận, nhằm tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Việt Nam.
Trong các kỳ bầu cử, mục đích chính yếu của chúng là xuyên tạc, bôi nhọ qui trình bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử trong đó có qui trình chọn lựa ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Trên thực tế, công tác chuẩn bị bầu cử và chọn lựa các ứng cử viên đã được tổ chức rất chặt chẽ và đúng luật định, đảm bảo công bằng, khách quan với mọi ứng viên, dù là được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu hay tự ứng cử.
Quy trình ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Theo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Sau đây là những điểm quan trọng trong qui trình công dân ứng cử (gồm 2 thành phần: người được giới thiệu và người tự ứng cử)
-Công dân ứng cử phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
-Người ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên
-Sau khi nhận và xem xét hồ sơ, nếu thấy hợp lệ theo quy định thì Ủy ban bầu cử chuyển hồ sơ ứng cử của người ứng cử đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ hai.
– Hội nghị Hiệp thương lần 2 là để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Sau Hội nghị hiệp thương lần 2, người ứng cử chưa phải là ứng cử viên chính thức bởi người ứng cử phải đảm bảo có sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú.
-Người ứng cử nếu không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
-Hội nghị Hiệp thương lần 3 tiếp tục thảo luận, lựa chọn và thỏa thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.
– Chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử): Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Những người nộp hồ sơ ứng cử, sau khi đủ tiêu chuẩn mới trở thành ứng cử viên chính thức.
Như vậy, qui trình ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND ở Việt Nam hoàn toàn minh bạch, công khai và dân chủ.
Thế nhưng, những đối tượng chống đối vẫn cố tình tìm mọi cách để phủ nhận, xuyên tạc, bôi xấu công tác chuẩn bị bầu cử. Chúng biết rõ không thể đáp ứng tiêu chuẩn trở thành ứng cử viên, nhưng chúng vẫn dùng thủ đoạn tự ứng cử với mục đích lợi dụng thời cơ để đánh bóng tên tuổi. Càng chống phá quyết liệt thì càng dễ nổi danh để nhận được sự chống lưng, tiếp sức của các tổ chức phản động bên ngoài.
Một màn kịch lặp đi lặp lại trong các kỳ bầu cử. Cùng với màn diễn tự ứng cử để chống phá bầu cử của các đối tượng chống đối, các tổ chức phản động và một số phương tiện truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí lập tức tung ra những thông tin sai lệch, kích động dư luận, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và phá hoại cuộc bầu cử.
Những đối tượng chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật luôn là những cái tên quen thuộc được ra rả nêu ra như những “công dân ưu tú” trong các báo cáo, các phúc trình của những tổ chức nhân quyền có cái nhìn phiến diện, thù địch với Việt Nam, và đương nhiên trong các dịp bầu cử, những đối tượng này với cái mũ “tự ứng cử” luôn được cổ súy trên các trang báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam.
Các trang thông tin này không cần biết đúng sai, tiếp tục dung túng cho những đối tượng vi phạm pháp luật chống phá Việt Nam, đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, vu cáo việc chính quyền xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật là vi phạm nhân quyền, tiếp cận những đối tượng tự ứng cử đã bị loại do không đủ tiêu chuẩn, lợi dụng các phát ngôn lệch lạc, thiếu căn cứ của những kẻ này để đưa ra những thông tin không đúng sự thật về bầu cử ở Việt Nam. Họ đưa các thông tin sai trái như:
” Thêm 1 ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập bị bắt tại Hà Nội”
” Việt Nam tiến hành đợt trấn áp mới trước Bầu cử”
“Quốc hội Việt Nam nhiều cách loại ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập”…
Hôm 1/4, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng ngang ngược đưa ra nhận định phiến diện rằng: Việt Nam cần chấm dứt các cuộc đàn áp các ứng cử viên độc lập, cho phép người dân thực hiện quyền con người. Những thông tin này đã sai trái ngay từ cách sử dụng ngôn từ cho đến việc xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Các tổ chức phản động và các trang tin thiếu thiện chí cũng cố tình đánh lừa dư luận bằng cách mập mờ 2 khái niệm: người nộp hồ sơ tự ứng cử và chính thức trở thành ứng cử viên.
Trên thực tế, những người mà họ gọi là “ứng cử viên độc lập” này chưa bao giờ đủ điều kiện để được công nhận là ứng cử viên. Những người này chỉ tự ra ứng cử nhưng vì các hành vi vi phạm pháp luật nên đã bị xử lý hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn của 1 ứng cử viên nên đã bị loại khỏi danh sách. Cái mũ ứng cử viên đi mượn đã khiến các tin tức về các đối tượng này thu hút sự chú ý, khiến càng dễ đánh lừa dư luận bằng những thông tin sai trái, bịa đặt.
Sự cấu kết giữa những kẻ chống đối chính quyền ra tự ứng cử với các tổ chức phản động, báo chí quốc tế thiếu thiện chí với VN đã cho thấy rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc bầu cử.
Đây không phải là những thủ đoạn mới, nhưng rất thâm độc và vô cùng nguy hiểm. Các luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, của chính quyền, bôi nhọ uy tín cuộc bầu cử, tuyên truyền kích động làm cho các tầng lớp nhân dân hoang mang, dao động, giảm lòng tin vào cuộc bầu cử, không sáng suốt lựa chọn được những đại biểu có tâm, có tầm, có đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Càng gần đến ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch sẽ càng gia tăng các hoạt động chống phá.
Vì vậy, người dân trong và ngoài nước cần tỉnh táo tiếp nhận những thông tin đúng, chính thống để giữ vững niềm tin và hành động đúng đắn tránh rơi vào luận điệu xuyên tạc, sai trái. Chúng ta cần kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử, góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước.
Theo vtv.vn