Bảo vệ “lõi vàng văn hóa Đảng”: Bài 2 – Tự phê bình và phê bình – “vũ khí” sắc bén

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình (TPB&PB) được đưa vào Điều lệ Đảng từ Đại hội II của Đảng năm 1951.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Ảnh tư liệu.

Từ đó đến nay, TPB&PB trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Những người hoài nghi sức mạnh nội sinh của Đảng cho rằng, nguyên tắc này chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng thực tiễn đã chứng minh, nguyên tắc này là “vũ khí” sắc bén để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (1). 

Hiếm có đảng cầm quyền nào mà sinh hoạt TPB&PB lại trở thành công việc thường xuyên, trở thành nếp sinh hoạt chính trị thấm đẫm giá trị nhân văn như Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù, đến Đại hội II (1951) Đảng ta mới đưa TPB&PB vào Điều lệ Đảng, nhưng từ khi mới ra đời (3-2-1930) Đảng ta đã mang trong mình tinh thần “tự chỉ trích” rất nghiêm túc. Thực tiễn hơn 91 năm qua cho thấy, mỗi khi phát hiện có sai lầm, Đảng đều công khai thừa nhận và tìm ra biện pháp sửa chữa. Trong cuộc Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc (1953-1956), khi phát hiện sai lầm, Trung ương Đảng đã họp tự kiểm điểm suốt một tháng (từ ngày 25-8 đến 24-9-1956). Trung ương Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: “Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một đảng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân”(2). Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác này đều tự phê bình một cách sâu sắc và tự nhận hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc. Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức. Các đồng chí Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt xin rút khỏi Bộ Chính trị. Sau khi hội nghị kết thúc, Đảng tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn, công khai thừa nhận sai lầm trước nhân dân.

Sau hơn 10 năm đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, Đảng ta một lần nữa tiến hành đợt TPB&PB nghiêm túc và sâu sắc. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI của Đảng năm 1986 dũng cảm nhận thấy “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Đảng tự thấy mình mắc “bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế-xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng”. Sau Đại hội VI, trên báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh “N.V.L”, tiếp nối tinh thần của đại hội, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém cần sửa ngay, tạo ra không khí sửa sai rất sôi nổi, thực chất trong toàn xã hội. Chính tinh thần ấy đã cổ vũ, động viên đất nước, nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước đưa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng kiểm điểm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao” (3). Đấu tranh với những hiện tượng vi phạm nguyên tắc TPB&PB trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. 

Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; ngày 13-8-2012, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm TPB&PB theo tinh thần nghị quyết này. Ngày 4-10-2021 vừa qua, khai mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (4). 

Thực trạng đó cho thấy, nguyên tắc TPB&PB vẫn rất cần được bảo vệ trong thực tiễn, để “vũ khí” sắc bén của Đảng phát huy tác dụng trong sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm, vốn là một vấn đề không thể tránh đối với một đảng cầm quyền. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ đảng viên vẫn còn mang tâm lý “đấu tranh, tránh đâu”, “dễ mình, dễ ta”, “im lặng là vàng”, “trong nhà đóng cửa bảo nhau”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, “rút dây động rừng”… Quy chế, quy trình TPB&PB trong Đảng cũng chưa thực sự hoàn thiện, chưa có cơ chế đủ mạnh bảo vệ người “dám phê bình”, xử lý những người trung bình chủ nghĩa, “nể và né”… nên các biểu hiện vi phạm nguyên tắc TPB&PB vẫn còn rất nhiều. 

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Giang (nguyên Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nguyên tắc TPB&PB đang xảy ra các biến tướng cần đấu tranh loại bỏ sau đây:

Phê bình vờ: Chỉ nêu những khuyết điểm nhỏ nhặt, như “đồng chí đôi khi còn đi làm muộn”; “tác phong chưa thật nhanh nhẹn”, “văn hóa, văn nghệ còn trầm”… Đây là kiểu phê bình chiếu lệ, phê làm phép cho có, làm qua loa đại khái, phê theo kiểu “bắn súng lên trời”, “phê chẳng chết ai”, để mọi người thấy mình cũng tham gia phê bình.

Phê bình vống: Khuyết điểm có ít xuýt ra nhiều; việc bé xé ra to, để thỏa mãn sự bực tức của mình, để “cho bõ ghét”, “cho nó chết”…

Phê bình dứ: Đây là loại lợi dụng phê bình rất tinh vi. Người phê bình nêu ra một số khuyết điểm nhưng ngầm tỏ ra còn biết người được phê bình có khuyết điểm, sai phạm lớn hơn, anh liệu mà cư xử với tôi. Đây là cách răn đe, hăm dọa người được phê bình.

Phê bình nịnh: Phê bình nhưng để khen nhau và tâng bốc nhau: “Điểm yếu của đồng chí là quá ham mê công việc cơ quan, không quan tâm đến bản thân và gia đình”, “đồng chí không chú ý giữ gìn sức khỏe”… Đây là thói cơ hội, xu nịnh, vuốt ve nhau, cố tình phóng đại những cái tốt, cái hay về đồng chí, đồng nghiệp nhằm củng cố “cánh hẩu” của mình. Đó là loại phê bình không nghiêm túc.

Phê bình đập: Đây là loại phê bình chụp mũ, kết tội nhau, hạ bệ nhau. Để “đập” nhau, họ tích lũy khuyết điểm, biến quá trình phê bình thành cơ hội để cường điệu hóa khuyết điểm nhằm bôi nhọ, vu khống để hạ bệ đồng nghiệp hoặc dọn đường cho nhau, giành lợi thế chính trị; bao vây, cô lập, vô hiệu hóa những nhân tố tốt; lấy cớ tự phê bình để triệt hạ những người không ưa, “trả thù vặt” theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”… Nguy hiểm hơn, họ biến thủ đoạn này thành đòn lôi kéo, đánh hội đồng rất tinh vi. Đây được coi là thủ đoạn phi tính đảng bậc nhất của “đảng viên”, là thủ đoạn của người đạo đức giả.

Đảng ta đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII, coi trọng tính chiến đấu trong TPB&PB, để “vũ khí” sắc bén này góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Từng cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường giáo dục cho đội ngũ đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò và giá trị của TPB&PB trong Đảng; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức tiến hành TPB&PB ở cấp mình. Từng đảng viên cần khắc phục tâm lý ngại va chạm, tích cực TPB&PB “như rửa mặt hằng ngày” trong sinh hoạt Đảng. Từng cán bộ, nhất là người đứng đầu, cần chủ động, tự giác nêu gương trong thực hành TPB&PB; có cơ chế, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cấp dưới phê bình cấp trên; kiên quyết chống các biến tướng của TPB&PB…

Để sinh hoạt TPB&PB giữ vững giá trị là một nét đẹp của văn hóa Đảng, thực sự là quy luật phát triển của Đảng; chúng ta cần ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mục đích phê bình cốt để… đoàn kết và thống nhất nội bộ” (5). Đoàn kết không chỉ là mục đích mà còn là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đó cũng là nội dung của bài viết tiếp theo mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN/QĐND

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, t.5, tr.301.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2002, t.17, tr.539-540.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, t.2, tr179. 

(4) Báo Quân đội nhân dân, ngày 5-10-2021

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, t.5, tr.272.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *