Thực tiễn đất nước bác bỏ mọi sự xuyên tạc
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh (1945 – 2021) dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh thời cơ là thách thức không nhỏ chi phối đến quá trình phát triển của dân tộc; trong đó, nổi lên là sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đối với Đảng, chế độ. Các “lý luận gia” có tư tưởng chống cộng cực đoan, cơ hội chính trị, phản động đều tìm mọi cách chứng minh rằng con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn là sai lầm (!) Đi theo con đường này thì đất nước Việt Nam sẽ không thể giành được độc lập thật sự, nhân dân Việt Nam sẽ mãi trong đói nghèo, lạc hậu,…(!) Thực tế có phải như vậy?
Có thể khẳng định rằng, quan điểm đó chỉ là những chiêu trò lừa gạt của những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, mang tư tưởng thù hận dân tộc, nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bởi, thực tiễn đất nước Việt Nam là minh chứng sinh động bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của các “lý luận gia” nêu trên.
Từ khi đất nước giành được độc lập cho đến nay (1945-2021), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tinh thần Cách mạng tháng Tám, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đoàn kết, đồng lòng giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, đất nước, con người Việt Nam đều được đổi mới, có nền chính trị ổn định, kinh tế – xã hội phát triển bền vững, quốc phòng – an ninh được tăng cường, quyền con người, quyền công dân được đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên một sự kiện “long trời, lở đất” – Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công – tạo bước ngoặt vĩ đại trên con đường thực hiện khát vọng độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt toàn thể quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Thực hiện lời thề Độc lập, 76 năm qua, với tinh thần, không có gì quý hơn độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết, chiến đấu và lập nên những thiên sử vàng chói lọi – đánh bại phát xít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1975 đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, văn minh và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Về chính trị, từ một đất nước bị chia cắt, nhân dân chịu sự đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc, Việt Nam đã giành được độc lập, có chủ quyền lãnh thổ thống nhất; có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tự quyết định con đường phát triển theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động – Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, thực hành quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tạo sức mạnh “dời non, lấp biển” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng, đoàn kết, bảo vệ chế độ, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước.
Về kinh tế, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế phụ thuộc, hành chính, bao cấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn giảm sâu do bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,91%, quy mô nền kinh tế hơn 343 tỷ USD, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, với những diễn biến rất xấu, khó lường, đặc biệt phức tạp, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, tăng trưởng GDP đạt 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, v.v. Việt Nam được các tổ chức quốc tế lớn, uy tín trên thế giới đánh giá có nền kinh tế năng động, sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Về văn hoá, nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển, thực sự là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc; hình thành nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội. Đến năm 2020, Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam đạt 0,704, thuộc nhóm cao trên thế giới. Nhiều phong trào, cuộc vận động văn hóa được tổ chức có sức lan toả sâu rộng trong đời sống, tạo môi trường văn hóa, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, v.v. Việt Nam đã trở thành “Đất nước của những di sản”, với những con người cần cù, thông minh, sáng tạo, hiện đại, thân thiện, là điểm đến của bạn bè quốc tế. Văn hoá thực sự “soi đường cho quốc dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2020, Việt Nam cơ bản xóa tình trạng đói kinh niên (Giai đoạn 2010 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm. Việt Nam cũng đã chủ động sản xuất nhiều loại vắc xin phòng bệnh; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu sẵn có; kiểm soát và ngăn ngừa được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Hiện nay, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, cả dân tộc Việt Nam đồng tâm, thống nhất thực hiện nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để đánh bại “Giặc Covid-19”; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy kinh tế phát triển,… được các tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới đánh giá cao.
Về giáo dục, chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Giáo dục mầm non được đổi mới và phát triển tốt cả 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Giáo dục phổ thông trở thành tâm điểm nghiên cứu của thế giới. Giáo dục hướng nghiệp được đổi mới về nội dung, đa dạng hóa hình thức,… đảm bảo thiết thực. Giáo dục mũi nhọn được chú trọng và đạt kết quả tốt. Đào tạo đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển bền vững của đất nước, v.v.
Về quốc phòng – an ninh, tư duy của Đảng về quốc phòng – an ninh có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện. Lĩnh vực quốc phòng – an ninh và lực lượng vũ trang được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân dựa trên sức mạnh toàn dân, của mọi nguồn lực. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thể chế chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Về đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả phương châm và định hướng: “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đến nay, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế, nhất là của Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), v.v. Được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu rất cao; có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế, đối tác chiến lược và toàn diện với 30 nước (có 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), các nước nhóm G7, G20, v.v.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 23/01/2020. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào “cuộc chiến đấu trong thời bình” – Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 với tư tưởng chỉ đạo hành động là “Chống dịch như chống giặc”. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch, đã nhận được sự đồng lòng của toàn dân và sự đóng góp không nhỏ của ngành y tế, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc nỗ lực phòng chống dịch, Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu và sản xuất các vaccine Covid-19, trở thành một trong những nước trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2 và thử nghiệm vaccine trên người, dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ có vaccine thương mại, được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá là một điểm sáng trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Thực tiễn đất nước ta từ khi giành được độc lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” và trở thành biểu tượng của nhân loại về thực hiện khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, vững bước đi lên con đường chủ nghĩa xã hội, trong một thế giới còn nhiều bất ổn. Đó là những minh chứng hùng hồn, phủ nhận các luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
MINH QUÂN/TCQPTD