Những nhận định của Phạm Trần trong bài viết “Lý do sinh viên, cán bộ chán học Mác và học đảng” đăng trên trang Danlambao ngày 28/2/2022 không phải là sự thật. Và đương nhiên, đối với một cán bộ, đảng viên và sinh viên trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, học viện và nhà trường (đại học, cao đẳng), thì chắc chắn học lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (môn lý luận chính trị) không phải là để nhằm mục đích thăng quan, tiến chức và cũng không phải học cho đủ các điều kiện. Đồng thời, sự thật là không phải toàn bộ cán bộ, đảng viên và sinh viên đều “lười” học các môn lý luận; đều “đã chán đến tận cổ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ép buộc họ phải học Mác, học Bác và học môn Lịch sử đảng” và nghị quyết của Đảng như Phạm Trần quy kết.
Nói ngắn gọn vậy để thấy rằng, sự suy diễn và quy chụp của Phạm Trần mang tính chủ quan; không phản ánh đúng bản chất của vấn đề mà chính là công kích chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thật của vấn đề này chính là:
Thứ nhất, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mỗi người cán bộ, đảng viên và của mỗi sinh viên trên hệ thống giảng đường đại học, cao đẳng. Học, hiểu sâu sắc và quán triệt Nghị quyết của Đảng và các môn lý luận chính trị là nhằm trung thành và kiên định lý tưởng cách mạng; nâng cao bản lĩnh chính trị và chủ động phòng, tránh, đấu tranh và ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Cũng có một sự thật cần phải khẳng định là, nếu chỉ học các môn thuộc về “chuyên môn” mà không học các môn lý luận chính trị thì chắc chắn những người này (dù là cán bộ, đảng viên hay sinh viên) cũng sẽ thấy mình đang thiếu một hệ thống tri thức, những quan niệm của con người về thế giới và về vị trí của chính mình trong thế giới đó. Bởi rằng, chủ nghĩa Mác- Lênin sẽ giúp người học có được thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận khoa học. Học tư tưởng Hồ Chí Minh là để bồi dưỡng, củng cố cho người học lý tưởng cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin; để rèn luyện đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống và làm người cách mạng liêm chính…
Thế giới càng đổi thay, xung đột vũ trang xảy ra và mọi khó khăn, thách thức càng diễn tiến khó lường, thì mỗi người cán bộ, đảng viên, mỗi sinh viên càng cần phải học tập, quán triệt, thấm nhuần các nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để: 1) Kiên định lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn từ mùa Xuân năm 1930 (trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng); 2) Chủ động phòng và chống, đấu tranh và bảo vệ nhằm phê phán những quan điểm sai trái về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi liền với việc phòng và chống sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi người, mỗi tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị; 3) Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cuộc sống, để kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống một cách khách quan, logic, biện chứng.
Cho nên, việc học các môn lý luận chính trị chắc chắn không phải là “học Mác, học Bác và làm theo lý thuyết suông của đảng không làm ra tiền nuôi thân bằng học chuyên môn và học nghề” như Phạm Trần tự suy diễn.
Thứ hai, nói đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, thì lười học Nghị quyết của Đảng và các môn lý luận chính trị chính là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Bất cứ cán bộ, đảng viên hay sinh viên nào có biểu hiện “lười” học như đã nêu đều là những người mắc phải một trong 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết đã chỉ ra.
Không phủ nhận rằng cũng có những người đi học lý luận chính trị chỉ là hợp lý hóa các điều kiện cần thiết để nhằm mục đích tiến thân (đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc, thăng tiến), chứ không phải là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[1] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận cán bộ, đảng viên, sinh viên suy thoái về tư tưởng chính trị, chứ không phải là toàn thể cán bộ, đảng viên, sinh viên, cho nên việc suy diễn chủ ý này của Phạm Trần cần phải nhận diện rõ, đúng để vạch trần thủ đoạn chống phá tinh vi này.
Thực tế, trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cấp ủy các cấp từ Trung ương đến địa phương đều triển khai saau rộng việc gắn học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Quy định về nêu gương; trong đó, chú trọng việc nhận diện, chỉ ra và phòng chống các biểu hiện suy thoái để kịp thời khắc phục, ngăn chặn.
Do đó, thông qua tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, việc đánh giá đúng thực trạng có một bộ phận cán bộ, đảng viên, sinh viên “lười”, đi học chỉ cho “có mặt”, “không hào hứng” học Nghị quyết Đảng và các môn lý luận chính trị đã được chỉ ra trong các báo cáo công tác Đảng của mỗi cấp ủy, trong các bài viết đăng tải trên các trang Tuyengiao.vn; qdnd.vn; xaydungdang.org.vn… Việc chỉ ra hạn chế này không chỉ nhằm mục đích nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái của những cán bộ, đảng viên, sinh viên, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, để kịp thời rút kinh nghiệm mà còn đề ra giải pháp thiết thực hơn, hữu hiệu hơn nhằm nâng cao chất lượng việc học tập Nghị quyết Đảng và các môn lý luận chính trị.
Đương nhiên, để nâng cao chất lượng của việc học nghị quyết của Đảng; giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, thì việc phải đồng thời thời hiện các nhóm giải pháp; trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của từng cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên và sinh viên về vị trí, vai trò quan trọng và sự cần thiết trong học tập nghị quyết, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”…
Đồng thời, việc khắc phục tình trạng lười, ngại, học chiếu lệ các môn lý luận chính trị; khắc phục hiện tượng “khô Đoàn, nhạt Đảng” đã, đang và tiếp tục được đẩy mạnh trong công tác giảng dạy; trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên dạy các môn lý luận chính trị giỏi về chuyên môn, gương mẫu về đạo đức; trong quá trình đổi mới khung chương trình học… Thực tế, những kết quả tích cực đạt được thì Phạm Trần không ghi nhận, không trích dẫn, song những kết quả đó cho thấy những gì mà Phạm Trần nêu ra trong bài viết chỉ là sự cóp nhặt các phần đánh giá hạn chế, chỉ là sự gom góp, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Nói tóm lại: Phạm Trần không ít lần xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng từ những góc độ khác nhau, bằng những chiêu trò khác nhau và cũng không ít lần suy diễn chủ quan từ những đoạn cắt cúp các bài viết theo định kiến cá nhân. Tuy nhiên, có thể khẳng định với Phạm Trần nói riêng, các thế lực thù địch chung rằng, thế giới có đổi thay thì chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn trường tồn bởi giá trị khoa học, lý luận và tính ứng dụng trong thực tiễn.
Cho nên, càng khó khăn, thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ cán bộ, đảng viên và sinh viên cùng mọi người dân Việt Nam càng kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng; càng nhận rõ sự thật được ẩn giấu sau những lời bịa đặt, công kích của Phạm Trần: “Đảng đã độc tài cai trị đất nước mà không do dân bầu lên, đồng thời cưỡng chế nhân dân phải chấp nhận Chủ nghĩa ngoại lai Cộng sản Mác-Lênin”, đã “ép buộc học tập về Mác, về Đảng để “quá độ” lên Chủ nghĩa Xã hội không tưởng ở Việt Nam” chính là âm mưu đòa xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò cầm quyền/độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng. Đồng thời, mỗi người dân Việt Nam cũng hiểu rõ rằng, những yêu cầu phải thực thi “tự do báo chí, tư tưởng; tự do lập hội; tự do hội họp; tự do biểu tình và tự do tín ngưỡng, tôn giáo” theo kiểu dân chủ ở phương Tây cũng chính là một trong những chiêu trò núp bóng “dân chủ” mà Phạm Trần ưa dùng, nên không bao giờ mắc bẫy!.
Trần Mỹ Nga/HSV
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208