Bảo vệ những giá trị cơ bản của chủ nghĩa Lênin

Lênin đã nâng tầm cao uy tín, vị thế, giá trị và ý nghĩa lý luận-thực tiễn của chủ nghĩa Mác; nêu tấm gương mẫu mực về sự trung thành, đổi mới sáng tạo trong kế thừa, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-hệ tư tưởng của giai cấp vô sản trong điều kiện lịch sử mới.

Ảnh minh họa: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Vì vậy, bảo vệ những giá trị cơ bản của chủ nghĩa Lênin cũng là bảo vệ những giá trị, nền tảng căn cốt của chủ nghĩa Mác.

Lênin vận dụng trung thành, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác

Giống như C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong thế kỷ 19, V.I.Lênin xuất hiện trong thế kỷ 20 với tư cách là một nhà bác học vĩ đại nhất trong cách mạng và thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong khoa học; là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20.

Chủ nghĩa Lênin trở thành cấu phần rất quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và là kim chỉ nam cho hành động của các đảng cộng sản trên thế giới.

Lênin là người kế tục trung thành, bảo vệ và phát triển sáng tạo các học thuyết khoa học, cách mạng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Bolshevik (b) và nhân dân Nga làm cuộc cách mạng long trời lở đất, xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột người; giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra thời đại mới-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và cách mạng vô sản (CMVS) trên phạm vi toàn thế giới.

Với việc bảo vệ và phát triển sáng tạo cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác trước sự tấn công từ nhiều phía của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, Lênin đã bổ sung, phát triển toàn diện, đồng bộ cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác: Triết học, Kinh tế học chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học với hệ thống luận điểm mới, sáng tạo; nâng tầm cao thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của cuộc CMVS trong giai đoạn CNTB độc quyền chuyển thành chủ nghĩa đế quốc-đêm trước của CMVS.

Sự cống hiến vĩ đại của Lênin đã làm cho chủ nghĩa Mác sống động hơn, trở thành hệ thống lý luận hoàn bị nhất, chắc chắn nhất, trở thành “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp công nhân nhận thức và cải tạo thế giới.

Với ý nghĩa đó, chủ nghĩa Lênin được coi là sản phẩm phát triển chín muồi của chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, là sự hội tụ, kết tinh, liên tục đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững hệ tư tưởng vô sản, khẳng định sự tất thắng của mục tiêu, con đường đi tới CNXH của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trong thời đại cách mạng XHCN.

Lênin đã nâng tầm cao uy tín, vị thế, giá trị và ý nghĩa lý luận-thực tiễn của chủ nghĩa Mác; nêu tấm gương mẫu mực về sự trung thành, đổi mới sáng tạo trong kế thừa, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-hệ tư tưởng của giai cấp vô sản trong điều kiện lịch sử mới.

Lênin coi chủ nghĩa Mác là một hệ thống mở, bởi ông cho rằng lý luận của C.Mác mới chỉ đặt nền móng cho một bộ môn khoa học mà những người cộng sản cần phải phát triển hơn nữa, nếu không muốn trở thành lạc hậu và bị cuộc sống đào thải.

Sự thống nhất biện chứng về quan điểm, lập trường thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin đã gắn chặt tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp của các ông với giai cấp công nhân, với hệ tư tưởng của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp-xã hội XHCN.

Vì lẽ đó, chủ nghĩa Lênin được coi là chủ nghĩa Mác trong thời đại mới-thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH và CMVS trên phạm vi toàn thế giới.

Chủ nghĩa Mác đã được tiếp nối bằng sức sống đầy sinh khí của chủ nghĩa Lênin trên cơ sở thống nhất biện chứng giữa lập trường, quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Vì vậy, chủ nghĩa Lênin chính thức trở thành chủ nghĩa Mác-Lênin – nguồn năng lượng dồi dào, động lực mới tạo nên sức mạnh vô địch và là cấu phần rất quan trọng trong nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản.

Trong chiều sâu của sợi dây chuyền ấy, người có công kết nối, xây dựng, tạo nên tượng đài dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới là Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.

Với linh hồn sống động của chủ nghĩa Mác là phép biện chứng duy vật và giá trị nhân văn sâu sắc, Lênin đã giải quyết thỏa đáng mối quan hệ biện chứng giữa trung thành và sáng tạo, bảo vệ và phát triển, lý luận và thực tiễn, đưa chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của các đảng cộng sản.

Quan điểm của Lênin về cách mạng XHCN có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, vạch ra con đường đi tới với triển vọng thắng lợi của CMVS ở một số nước, thậm chí ở một nước, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động, tích cực sáng tạo của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống mọi loại kẻ thù.

Để cách mạng thắng lợi hoàn toàn, Lênin yêu cầu phải bảo đảm quyền lãnh đạo tuyệt đối của giai cấp công nhân, đứng đầu là bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất là Đảng Cộng sản. Cùng với đó, phải xây dựng khối liên minh công nông và khối đại đoàn kết giữa các dân tộc vững chắc; kiên quyết thực hiện chuyên chính vô sản; ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; làm cho CNXH ngày càng nhiều hơn, dân chủ nhiều hơn.

Chìa khóa để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng XHCN là sự giác ngộ và làm chủ vận mệnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng và sử dụng hiệu quả tầng lớp trí thức XHCN.

Kiên định, kiên quyết bảo vệ những giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin

Lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác cũng như lý tưởng và sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Mười Nga là những giá trị vĩnh hằng, có sức sống trường tồn cùng nhân loại bởi “cái ngày vĩ đại ấy càng cách xa chúng ta thì ý nghĩa của cuộc CMVS Nga càng trở nên rõ rệt, chúng ta cũng càng suy nghĩ sâu về toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của công tác của chúng ta”(1), thấy rõ hơn giá trị và ý nghĩa hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga; đặc biệt là những cống hiến vĩ đại của Lênin đối với việc khai mở con đường thực hiện tiến bộ xã hội, đưa các dân tộc thuộc địa thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, trở thành chủ nhân xây dựng cuộc sống mới, sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, phát triển không phải là một đường thẳng mà có lúc sẽ diễn ra quanh co, phức tạp. Sự  ra đời, tồn tại, phát triển và sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20 phần nào đã nói lên sự “dích dắc” đó. Song, không vì thế mà tiến trình lịch sử bị đảo lộn, bị “ngưng đọng”, “thụt lùi”.

Theo quy luật tiến hóa của loài người, lịch sử vẫn tiếp tục vận động và phát triển. Những tổn thất từ sự sụp đổ của một số nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô là đáng tiếc nhưng nó chỉ có thể làm chậm bước tiến của nhân loại trên con đường đi lên CNXH.

Song, nó cũng nói lên rằng, các thế lực thù địch không thể và không bao giờ xóa bỏ được lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn. Điều này đã được Đảng ta khẳng định: “Lịch sử đang trải qua những bước quanh co, phức tạp, song “loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(2).

Vì vậy, khi nói về ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đó là thắng lợi của lý tưởng cộng sản, của Cách mạng Tháng Mười Nga, thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã chỉ ra một chân lý không thể nào bác bỏ, đó là bất cứ một xã hội nào đã tỏ ra lỗi thời, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc, cản trở tiến bộ xã hội thì tất yếu sẽ bị thay thế bởi một chế độ xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn; đó là xã hội XHCN-giai đoạn đầu của CNCS.

Con đường xóa bỏ sự lạc hậu, lỗi thời, tệ nạn người áp bức, bót lột người là đi theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu đem lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, cần suy ngẫm, rút kinh nghiệm để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay: Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, người cộng sản đều phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản, luôn độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới, tỉnh táo đi lên CNXH. 

Trong đó, đổi mới nhận thức, bổ sung, phát triển lý luận về đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thời cuộc hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Học tập, tin theo Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần đổi mới nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Làm tốt điều này là thiết thực bảo vệ và góp phần tăng thêm sức sống cho chủ nghĩa Mác-Lênin – nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện lịch sử mới.

Có thể nói rằng, lý luận về đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là một sáng tạo trong vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Không thể vì sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu mà ai đó đã vội quy kết, coi nó là “sự phá sản”, “sự sụp đổ” của chủ nghĩa Mác-Lênin, của lý luận về CNXH khoa học hay sự thất bại của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga.

Đó chỉ là sự ngộ nhận và là quan điểm hoàn toàn sai trái, cần loại bỏ. Trái lại, những gì đã diễn ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ 20 là minh chứng khẳng định rằng, trong tình hình hiện nay, bất cứ đảng cộng sản nào và bất cứ ai, nếu coi thường chủ nghĩa Mác-Lênin, đi ngược lại lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, thì tất yếu sẽ mắc phải sai lầm về chính trị, và mọi sai lầm đều phải trả giá đắt: Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo; chế độ XHCN sụp đổ, xã hội sẽ rơi vào rối loạn, nhân dân sẽ đau khổ, lầm than. Đó là kết cục đáng tiếc về sự sai lầm, khinh thường chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời cho đến nay, đặc biệt từ Đại hội VII (1991), Đảng đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

Làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Do vậy, kiên trì, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta, vì điều căn cốt này liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ ta.

Một trong những yêu cầu, giải pháp hàng đầu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu mà Đại hội XIII của Đảng vạch ra là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, đặc biệt là nghiên cứu, khai thác những giá trị quý báu của chủ nghĩa Mác-Lênin, toàn bộ di sản mà Người để lại cho nhân loại, đặc biệt là lý luận về xây dựng đảng mác xít kiểu mới, về chính sách kinh tế mới (NEP), về chiến tranh và hòa bình…

Qua đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn chủ nghĩa Lênin-ngọn nguồn bí mật đã đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam và Người đã mở ra con đường mới cho cách mạng Việt Nam-con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG/QĐND

 (1) V.I.Lênin, toàn tập, tập 44, NXB Tiến bộ, Moscow, 978, tr.179

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.