Bảo vệ quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng ở Việt Nam – thành tựu không thể phủ nhận

Sự xuất hiện của mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho con người, đóng góp vào sự phát triển của xã hội nhưng cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, nhất là giới trẻ. Vì vậy, việc Đảng và Nhà nước ta triển khai nhiều biện pháp bảo vệ quyền của người dân nói chung, quyền của người chưa thành niên nói riêng trên không gian mạng là hết sức cần thiết và là một tất yếu khách quan, mà không ai có thể phủ nhận.

Hiện nay, mạng xã hội đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng. Theo thống kê mới nhất của tổ chức “We Are Social”, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 06 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Ở Việt Nam, mọi người được tự do lập tài khoản và hoạt động trên mạng xã hội theo nhu cầu của bản thân1; Việt Nam không chặn hoặc cấm đoán bất kỳ mạng xã hội hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia internet (nếu không có sự vi phạm pháp luật). Các công ty công nghệ, như: Google (YouTube, Google), Meta (Facebook), ByteDance (TikTok),… hoạt động và phát triển mạnh, thu nhiều lợi nhuận từ thị trường Việt Nam. Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật thông qua internet, mạng xã hội. Đó là minh chứng sống động về việc Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền được tự do thông tin, tự do internet của mỗi người dân.

Tuy nhiên, với tính đặc thù, cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, bên cạnh mặt tích cực, không gian mạng cũng chứa đựng nhiều thông tin tiêu cực, nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, nhất là giới trẻ, trong đó có một bộ phận người chưa thành niên (người chưa thành niên trong phạm vi bài viết này cũng được hiểu là trẻ em nói chung) bị xâm hại, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật, như: mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp, thậm chí là ép buộc để thực hiện hành vi xâm hại. Không những thế, việc sử dụng internet quá nhiều, thiếu sự kiểm soát, định hướng,… sẽ làm gia tăng tỷ lệ người chưa thành niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, học tập, thậm chí dẫn đến tự tử. Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Nhận rõ sự nguy hại của mặt trái mạng xã hội đối với người chưa thành niên và với quan điểm “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em – tương lai của đất nước”2, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản, quy định pháp luật và nhiều giải pháp quan trọng để vừa sử dụng internet, mạng xã hội an toàn, đúng mục đích, vừa bảo vệ quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng. Thế nhưng, các thế lực thù địch, một số người nhân danh các tổ chức nhân quyền đã không thừa nhận điều đó, một mặt cho rằng Việt Nam không có tự do internet, mặt khác lại cho rằng Việt Nam không quan tâm bảo vệ quyền người chưa thành niên trên không gian mạng, v.v. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, thiếu cơ sở, phủ nhận vai trò của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của người chưa thành niên nói riêng trên không gian mạng.

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, nhất là giáo dục, đào tạo để lớp trẻ phát triển toàn diện, trở thành công dân tốt cho xã hội; trong đó có việc kiên quyết đấu tranh, khắc phục những tác động tiêu cực, bảo đảm bảo tốt nhất quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng và được thể hiện rõ ở những nội dung sau:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các đối tượng, trực tiếp là nhóm trẻ vị thành niên, gia đình và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet nói chung, mạng xã hội nói riêng, như: lồng ghép vào chương trình giáo dục nội dung trang bị kiến thức, nhận thức về môi trường mạng cho người chưa thành niên, trẻ em và kỹ năng cơ bản khi sử dụng internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Đối với gia đình, người chăm sóc trẻ, giáo viên,… đề cao trách nhiệm thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng. Các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để người chưa thành niên truy cập, khai thác hiệu quả và an toàn. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong bảo đảm quyền của người chưa thành niên nói chung, trên không gian mạng nói riêng.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tạo “lá chắn” vững chắc để bảo vệ quyền của người chưa thành niên, nhất là khi tham gia mạng xã hội. Bằng chứng là, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990; cùng với đó, quan tâm xây dựng tương đối đồng bộ hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền cho người chưa thành niên nói chung, trên không gian mạng nói riêng, như: Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng. Đặc biệt, ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng giai đoạn 2021 – 2025”; ngày 30/7/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 1123/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch triển khai quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, v.v. Trong các văn bản pháp luật đã quy định rõ về bảo vệ quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”3; “Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng”4. Đồng thời, quy định rõ “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”5 đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ động, nỗ lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ người chưa thành niên nói chung; bảo đảm quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng nói riêng. Trước hết là chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, xây dựng môi trường văn hóa,… tạo điều kiện tốt nhất để lớp trẻ được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện về phẩm chất đạo đức, thể chất, trí tuệ, v.v. Đồng thời, hoàn thiện bộ máy chăm sóc, bảo vệ quyền của người chưa thành niên; tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm thu thập, phân tích, giám sát tuân thủ thực hiện việc chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ liên quan đến quyền của người chưa thành niên. Thành lập Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24/24, miễn phí cước gọi và cước tư vấn để thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt, hằng năm, các cấp, ngành, địa phương đều tích cực hưởng ứng, tổ chức hiệu quả “Tháng hành động vì trẻ em” với nội dung phong phú, hiệu quả. Tiêu biểu, năm 2018 tổ chức Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, truyền đi thông điệp thiết thực và ý nghĩa được xem như là “Thông điệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”; trong đó có thông điệp: vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số; sử dụng mạng xã hội vì cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Đặc biệt, sáng 10/9/2023, trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp giả định toàn thể “Quốc hội trẻ em” lần thứ I , diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã thảo luận về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Việc làm đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với trẻ em, trong đó có việc bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tạo nguồn lực mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả trong bảo đảm quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng. Theo báo cáo khảo sát của MSD (Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững – Management and Sustainable Development Institute), tại Việt Nam năm 2022, có đa số trẻ tham gia khảo sát (60%) trả lời là cảm thấy an toàn khi sử dụng internet; đồng thời, các em cũng nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng internet, đặc biệt là bị nghiện internet (60,9%). Kết quả đó là rất khích lệ, khẳng định các chủ trương, giải pháp của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng nói riêng là đúng hướng, hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển, hội nhập của Việt Nam trong suốt quá trình hơn 35 năm đổi mới. Việt Nam sẽ không ngừng bồi đắp thành quả này nhằm tiếp tục mang lại tự do, hạnh phúc và phát triển cho cộng đồng; bảo đảm cho người chưa thành niên được phát triển tự do, lành mạnh.

Thực tiễn trên đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận về việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng của Việt Nam; những luận điệu đó chỉ là “tiếng nói lạc lõng” trong dòng chảy xã hội mà thôi.

NGUYỄN THỊ ĐẮC HƯƠNG – ĐỖ TIẾN TRƯỜNG, Học viện Chính trị/TCQPTD
______________________

1  – Tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 01 năm (tương đương 73,7% dân số). Mỗi người dân Việt Nam dành trung bình gần 07 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet và tỉ lệ người sử dụng internet hàng ngày lên tới 94% (Nguồn:https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tu-do-internet-o-viet-nam-la-mot-thuc-te-khong-the-phu-nhan-626055.html, ngày 01/12/2022).

2  – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 168 – 169.

3  – Điều 37, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

4 – Điều 29, Luật An ninh mạng năm 2018 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5 – Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.