PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH TỰ DO NGÔN LUẬN Ở VIỆT NAM
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, báo, đài phản động và các đối tượng chống đối trong và ngoài nước sử dụng luận điệu cũ rích xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet, bất chấp một thực tế sống động là tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do sử dụng internet ở Việt Nam là trong những điểm sáng so với khu vực và thế giới.
Tính tới tháng 01 năm 2023, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là 77,93 triệu người, chiếm 79,1% dân số. Số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là khoảng 80 triệu người/99 triệu dân, tăng gần 10 triệu người trong vòng 01 năm qua. Việt Nam trở thành nước có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 ở châu Á. Ở một số quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khu vực và thế giới, việc người dân tiếp cận internet cũng không rộng rãi, dễ dàng, cũng như giá dịch vụ internet khiến người sử dụng dịch vụ dễ bị “choáng” vì giá thành cao. Trong khi đó, internet ở Việt Nam được phủ sóng rộng khắp với giá thành rẻ. Người dân được chọn lựa đa dạng các nhà cung cấp dịch vụ internet và gần như với chiếc điện thoại thông minh, người dân được truy cập internet qua mạng 3G, 4G và sắp tới là mạng 5G ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ của đất nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người dân trên không gian mạng. Bên cạnh hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin ngày càng được đầu tư nâng cao về chất lượng và số lượng, thì Chính phủ và Quốc hội đã ngày càng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho người dân. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 – 2025”. Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Luật Báo chí, Luật Xuất bản để báo cáo, tham mưu Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong giai đoạn 2023 – 2025; ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường internet ở Việt Nam ngày càng văn minh, lành mạnh, an toàn.
Sự bùng nổ thông tin và các mạng xã hội trong thời gian vừa qua đã khiến một số quốc gia trên thế giới lo ngại và triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ, thậm chí cấm đoán các mạng xã hội của nước ngoài. Tuy nhiên ở Việt Nam, các mạng xã hội như Zalo (của Việt Nam), Youtube, Facebook, Twitter, Instagram (của Mỹ), đến TikTok của Trung Quốc…đều được người dân sử dụng một cách rộng rãi.
Lợi dụng sự phát triển của mạng internet, các thế lực thù địch và bọn tội phạm thường xuyên đăng tải các tin giả, xấu độc, xuyên tạc tình hình Việt Nam và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Theo thông tin công bố của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), từ khi Trung tâm này thành lập vào năm 2021 đến tháng 11/2022 đã tiếp nhận 5007 phản ánh tin giả, công bố dán nhãn 50 tin giả, 02 trang web giả mạo Cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, 02 fanpage giả mạo báo điện tử VnExpress, Tuổi trẻ Online và đã yêu cầu các trang mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 540 tin giả.
Một đất nước ngày càng phát triển thì hệ thống pháp luật phải càng được tăng cường, củng cố và hoàn thiện để bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet. Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện quan điểm nhất quán về vấn đề tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
PHẠM TOÀN