Tham gia cấm vận Nga, Liên minh châu Âu (EU) phải chịu tổn thất gì?

Sau khi chiến sự giữa Nga và Ucraina bùng nổ, các nước châu Âu nói riêng và EU nói chung đã ngay lập tức đồng hành với ông trùm sen đầm Mỹ khẩn cấp áp dụng các biện pháp cấm vận về kinh tế đối với Nga. Trong cuộc xung đột này, điều hiển nhiên là Ucraina sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất và Nga cũng sẽ phải gánh những hậu quả về kinh tế, chính trị – xã hội, nhất là sau khi Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận kinh tế với nước này. Vậy, EU là một đối tác kinh tế lớn, nhất là về năng lượng với Nga sẽ phải chịu những tổn thất gì khi tiến hành cấm vận Nga?

Châu Âu lo ngại viễn cảnh xung đột ở Ukraine có thể sẽ làm cạn kiệt nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Bloomberg.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, Nga là nguồn cung nhiên liệu hàng đầu cho EU. Điều này đặc biệt quan trọng vì khối EU chỉ tự chủ được 13% nhu cầu nhiên liệu, còn lại phải nhập khẩu. Ước tính, EU nhập từ Nga tới 40% lượng khí đốt và 30% lượng dầu mỏ tiêu thụ. Giải pháp là EU tăng tỉ trọng nhiên liệu từ các nguồn cung khác như Mỹ và Trung Đông, tuy nhiên, điều này sẽ đẩy giá nhiên liệu trong khối tăng cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Nga hiện là bạn hàng lớn thứ 5 của EU (sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Thuỵ Sĩ). Cũng cần phải hiểu là khi áp đặt trừng phạt lên một ai đó, cũng có nghĩa là EU tự trừng phạt mình bằng cách cắt quan hệ làm ăn với họ. Các lệnh trừng phạt của EU không chỉ khiến Nga mất nguồn thu mà cũng sẽ đẩy các doanh nghiệp của khối EU vào tình trạng khó khăn do mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, như dầu thô, khí đốt, lúa mì, sắt, nhôm, nikel, bạch kim… là đầu vào cho các ngành công nghiệp của châu Âu. Cắt đứt quan hệ làm ăn với Nga sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu. Mỹ cũng tham gia trừng phạt Nga, tuy nhiên, những thiệt hại kinh tế của Mỹ có thể dễ dàng được bù đắp bằng việc tăng giá bán nhiên liệu cho chính châu Âu.

Trong vấn đề tài chính, các nước EU chuẩn bị quyết định sẽ loại “một số ngân hàng Nga” ra khỏi SWIFT. Nếu việc này được thực hiện thì trên thực tế là các nước EU mất nhiều hơn được. Thứ nhất, thiệt hại của phía Nga sẽ là không lớn vì chỉ một số ngân hàng bị hạn chế. Thứ hai, trên thế giới đã và đang nổi lên những hệ thống thanh toán khác, cạnh tranh với SWIFT như CIPS của Trung Quốc và SPFS của Nga, Ấn Độ cũng đang muốn tự làm hệ thống cho riêng mình. Các ngân hàng Nga sẽ dễ dàng đổi sang một hệ thống khác, hoặc dùng song song các hệ thống. Thứ ba, việc được dùng để ép Nga cũng cho thấy SWIFT bị chi phối bởi các chính phủ phương Tây, do vậy sẽ thúc đẩy các ngân hàng trên thế giới chủ động tìm một giải pháp bổ sung – thay thế cho SWIFT. Nói cách khác, lệnh cấm này là một “món quà” cho những cường quốc như Nga – Trung – Ấn.

Đối với vấn đề nhập cư, cuộc khủng hoảng ở Ucraina có thể khiến cho 30% dân số (như trường hợp Iraq) – tức khoảng 10 triệu người rời bỏ đất nước, ùn ùn kéo sang EU, gây ra mất an ninh trật tự, tạo gánh nặng khổng lồ cho công tác an sinh xã hội. Vấn đề khác, đó là sự chia rẽ trong nội bộ khối EU. Bởi vì, do cộng hưởng bởi kinh tế lao đao và dịch bệnh và cấm vận, trong bối cảnh phải tăng cường chi tiêu quân sự, cộng thêm sự mất an ninh do nhập cư trái phép thì những bất đồng trong EU sẽ nảy sinh và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Liệu các nước như Đức, Pháp, Ý và các nước Bắc Âu có tiếp tục cắn răng gánh gồng cho các nước vùng Baltic, Balkan và Iberia như lâu nay nữa hay không? Những điều kiện khó khăn này có thể là điểm bắt lửa cho sự phân rã của EU, châm ngòi cho các cuộc xung đột tôn giáo – sắc tộc ở các nước vùng Balkan, các phong trào ly khai ở Tây Ban Nha hay xung đột với Anh về vấn đề Bắc Ireland. Hiện thực này được dự báo sẽ sớm xảy ra. Ngoài ra, đó là sự suy giảm các giá trị phương Tây, khi họ bắt thế giới phải phục tùng tiêu chuẩn kép của mình, bất chấp các thông lệ và luật pháp quốc tế (như cấm vận thể thao Nga, mặc dù họ luôn khẳng định thể thao nằm ngoài chính trị).

Qua phân tích như trên thì chúng ta có thể thấy không chỉ Nga phải khốn khổ, lao đao  mà EU cũng sẽ phải chịu vô vàn thiệt hại, kiểu “trạng chết chúa cũng băng hà” vậy!

(TH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *