Lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc, chống phá: Thủ đoạn cũ những phải hết sức cảnh giác
Vừa qua, trên không gian mạng, các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và chế độ ta tán phát nhiều bài viết, hình ảnh, video clip xuyên tạc, vu cáo rằng: “Tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, toà án xử theo lệnh của Đảng không thể chống được tham nhũng”; “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam”; “đấu đá nội bộ”; “loại trừ phe cánh” hay “càng chống tham nhũng thì tham nhũng lại càng nhiều”… Đây là thủ đoạn không mới, nhưng có tác hại không nhỏ đối với những người nhẹ dạ, cả tin, không am hiểu chính trị, am hiểu luật pháp.
Trước hết, cần khẳng định rằng, những luận điệu trên hoàn toàn sai trái, là một sự quy chụp, xuyên tạc vô căn cứ. Như chúng ta đã biết, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Nó hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kể cả ở nước nghèo và nước giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hoặc kém phát triển; không phân biệt do một đảng hay do đa đảng lãnh đạo. Và hiện nay, tham nhũng được coi là vấn nạn nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Với bản chất cách mạng, Đảng, Nhà nướcViệt Nam luôn thể hiện quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong năm 2021: Đảng đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó 26 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thi hành kỷ luật đối với 223 tổ chức đảng và 20.257 đảng viên; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 81.290 tỉ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân… Và mới đây nhất là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, trung tâm kiểm soát bệnh tật một số tỉnh, thành phố.
Kết quả này cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa và cũng không bao giờ bao che, dung túng cho tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tất cả các ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đều được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, tất cả cán bộ, đảng viên có vi phạm, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu đều bị xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời cũng là minh chứng sống động đập tan mọi luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch.
Phòng, chống tham nhũng là một vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân là một chiến sĩ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh, phát hiện và loại trừ tham nhũng tiêu cực. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung là nhiệm vụ then chốt, lâu dài, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Ðó là một quá trình vươn lên, hoàn thiện bản thân để chiến thắng chính mình, để Ðảng ta mãi mãi là niềm tự hào, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trên tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
(BV)