Cách nhìn thiên lệch, hãy thôi khoác áo “nhân quyền”

Trả lời tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao cuối tháng 4/2020 về báo cáo của tổ chức an ninh mạng FireEye cho rằng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhóm hacker APT32, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định, đây là những thông tin không có cơ sở.

Ông nêu rõ, Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất cứ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Năm 2018, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật. Để ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức.

Về thông tin Facebook được yêu cầu hạn chế quyền truy cập của người dùng vào những nội dung được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam, ông Ngô Toàn Thắng cho biết, chủ trương của Việt Nam là phát triển ứng dụng Internet, công nghệ thông tin nhằm phục vụ công cuộc xây dựng đất nước và phát triển đất nước, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.

Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng số ở Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, hỗ trợ đầu tư về công nghệ thông tin, truyền thông trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần bảo đảm thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về thuế và các trách nhiệm xã hội khác với cộng đồng. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin nên hợp tác với chính phủ trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

“Là một công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, công ty Facebook đã cam kết tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quan tâm đến việc Facebook sẽ thực hiện các cam kết này như thế nào trong thời gian tới” – ông Thắng nói.

Liên quan vấn đề này, khá nhiều mạng nước ngoài đã tung tin sai lệch, cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam “cưỡng ép” Facebook để xử lý “người bất đồng chính kiến”.

Hai tổ chức nhân quyền quốc tế là Amnesty International và Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Facebook “rút lại quyết định gia tăng kiểm duyệt các nội dung trên mạng xã hội này ở Việt Nam”. HRW chỉ trích Facebook rằng, động thái trên “đặt ra một tiền lệ xấu về cả nhân quyền lẫn chính sách toàn cầu của công ty này.

Quyết định nói trên của Facebook làm gia tăng nguy cơ có thêm nhiều rào cản về nội dung trong tương lai”… Ông John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của Tổ chức HRW lên giọng chế nhạo Facebook khi nói rằng, giờ đây các quốc gia khác cũng biết cách đạt được điều họ muốn từ Facebook, để buộc công ty này “đồng lõa trong việc vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Từ đó, John Sifton suy diễn một cách rất thiển cận rằng lẽ ra Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần “sử dụng tốt hơn đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ Facebook trong tình huống bị chính quyền Việt Nam gây sức ép.

Các doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp khác lẽ ra cũng cần ủng hộ Facebook một cách công khai hơn để ngăn ngừa các chiến thuật mạnh tay của chính quyền”.

Những phát biểu và hành động nói trên của HRW lại diễn ra đúng thời điểm khá ngẫu nhiên: Facebook cho biết một tòa án liên bang Mỹ ngày 23/4/2020 đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận dàn xếp mà mạng xã hội này đã đạt được với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào tháng 7 năm ngoái sau một cuộc điều tra về các rủi ro bảo mật quyền riêng tư.

“Thỏa thuận này đã mang lại những thay đổi cơ bản cho công ty của chúng tôi và tiến bộ trong cách chúng tôi bảo vệ quyền riêng tư của mọi người hơn bất cứ điều gì chúng tôi đã làm trước đây” – Michel Protti, Giám đốc về quyền riêng tư của Facebook cho biết trong một bài đăng trên blog của công ty.

Ông nói, trên hết, nó mang đến một mức độ trách nhiệm mới và đảm bảo rằng quyền riêng tư là trách nhiệm của mọi người tại Facebook. Thỏa thuận trên đạt được vào năm ngoái sau khi FTC xem xét trách nhiệm của Facebook trong vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica – một công ty tư vấn hiện không còn hoạt động, trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump – làm rò rỉ dữ liệu của tới 87 triệu người dùng.

Cơ quan này khi đó cho rằng Facebook không bảo vệ được dữ liệu người dùng, vi phạm thỏa thuận trước đó với FTC trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Là một phần của thỏa thuận với FTC, Facebook đồng ý thành lập một ủy ban bảo mật độc lập giám sát việc đảm bảo quyền riêng tư của mạng xã hội lớn nhất thế giới. CEO Mark Zuckerberg sẽ phải trình FTC các báo cáo chứng nhận mạng xã hội này đã triển khai các biện pháp bảo vệ nhiều hơn quyền riêng tư vào các nền tảng của mình. Facebook cũng bị phạt 5 tỷ USD – một án phạt mà FTC gọi là chưa từng có. FTC cho biết họ rất hài lòng với phán quyết của tòa án.

Sự việc nói trên tại Mỹ là bằng chứng sinh động về hoạt động của các mạng xã hội toàn cầu trong việc thực thi, chấp hành theo luật pháp của nước sở tại. Không có hoạt động nào đứng ngoài luật pháp, càng không có chuyện lấy danh nghĩa dân chủ, nhân quyền để che đậy các sai phạm của mình. Tại Mỹ, Facebook không có ngoại lệ thì hiển nhiên, ở bất cứ quốc gia nào mạng xã hội này có mặt cũng phải tuân thủ nguyên tắc pháp lý này. Vậy mà HRW rồi những cá nhân dưới danh nghĩa “tự do thông tin” vẫn có thể ngụy biện, quy chụp để hướng vào chỉ trích Việt Nam, sự thực đó cho thấy rõ bản chất của HRW là gì.

Theo đánh giá của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT) Bộ Thông tin và Truyền thông, trên Facebook, Google thời gian qua có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, Cục PT-TH&TTĐT đã chủ động làm việc với Facebook và Google để 2 nền tảng này tích cực hợp tác, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên Facebook, Youtube. 

Đối với Facebook, trong năm 2019, mạng xã hội này đã gỡ bỏ 207 tài khoản, trong đó có tài khoản giả mạo các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước (46 tài khoản), còn lại tài khoản tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam; gỡ bỏ 244 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp; 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng. Đối với Google, trên Youtube đã ngăn chặn và gỡ bỏ hơn 9.500 video vi phạm… 

Để ngăn chặn vi phạm trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều biện pháp như: Yêu cầu Google, Facebook phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ; sử dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm; kiểm tra, chấn chỉnh các công ty truyền thông, quảng cáo, nhất là hoạt động quảng cáo từ nước ngoài…

Việc các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải tin, bài, video có nội dung độc hại, chống phá Việt Nam, vi phạm quyền của cá nhân, tổ chức đang diễn biến phức tạp. Mấy tháng qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã tung tin giả, thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng việc Luật An ninh mạng có hiệu lực, ngày 3/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4). Nghị định được đánh giá là có quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây.

Như vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là cơ sở quan trọng để đưa các hoạt động trên không gian mạng vào khuôn khổ. Việc Facebook đã cam kết tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam là nằm trong xu hướng chung này. Hiện trên thế giới có 138 quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng. 

Tuy tên gọi có thể khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng các luật này có mục tiêu chung là tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường internet. Ðồng thời, cùng với việc thiết lập các quy định giúp điều chỉnh hành vi trên không gian mạng, luật cũng quy định rõ các chế tài xử phạt. 

Vào tháng 2 năm 2016, Tổng thống Mỹ Obama đã phát triển Kế hoạch hành động an ninh quốc gia về an ninh mạng (CNAP). Kế hoạch này được thực hiện để tạo ra những hành động và chiến lược lâu dài trong nỗ lực bảo vệ nước Mỹ chống lại các hiểm họa mạng. Trọng tâm của kế hoạch này là để thông báo cho công chúng về mối đe dọa ngày càng tăng của tội phạm mạng, cải thiện bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân của người Mỹ và để thông báo cho người Mỹ về cách kiểm soát an ninh kỹ thuật số.

Đó là thực tiễn khách quan. Không thấy được sự thật hiển nhiên đó, lại cố nhìn bằng con mắt xiêu vẹo, chiếc áo “nhân quyền quốc tế” mà HRW đang khoác đã đến lúc phải gỡ bỏ.

(CAND)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.