Cần hiểu đúng về chủ trương di dời chợ Yến cũ, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Tôi là một người con của quê hương Phú Yên, hiện đang sinh sống, lập nghiệp nơi đất khách, quê người; những lần về thăm quê hương trước đây thấy tỉnh nhà ngày càng phát triển trong lòng dâng trào niềm vui, phấn khởi và tự hào. Tuy nhiên, trong lần về thăm quê gần đây (tháng 7/2019), khi đi ngang qua trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Phú Yên, tôi và nhiều người dân của thành phố Tuy Hòa chứng kiến cảnh tượng hàng chục người dân tụ tập la ó trước cổng trụ sở Tỉnh ủy, thiết nghĩ việc làm này vừa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Đảng, vừa làm mất mỹ quan, trật tự đô thị, gây dư luận không tốt trong người dân địa phương và bạn bè du khách đến Phú Yên. Với tâm trạng có chút hoang mang, tôi dừng lại và bắt chuyện một số người ở đây thì được biết đây là những người dân thuộc hai thôn Nhơn Hội, Hội Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An tập trung khiếu kiện về chủ trương di dời chợ Yến cũ.

Tôi cũng chỉ là một người dân qua đường thấy sự việc bất thường nên muốn tìm hiểu rõ bản chất của sự việc. Qua tìm hiểu và đích thân “vi hành” được biết: Năm 1994, UBND xã An Hòa đã nâng cấp, xây dựng lại Chợ Yến với diện tích khoảng 1.920m2, được bao quanh bởi các con đường bê tông rộng từ 3 – 5m. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, ẩm thấp, nhếch nhác, ảnh hưởng môi trường của các em học sinh Trường Tiểu học số 2 xã An Hòa gần đó gây mất mỹ quan và nguy cơ mất an toàn rất cao, nhất là vào thời điểm mưa bão, lũ lụt. Trước tình hình đó, đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương, UBND xã An Hòa đã đầu tư xây dựng chợ Yến mới khang trang, đồng bộ tại địa điểm mới cách chợ Yến cũ khoảng 400m để người dân tiện kinh doanh, mua bán; đồng thời quy hoạch khu vực chợ Yến cũ thành công viên cây xanh góp phần tạo cảnh quan môi trường, phục vụ công tác chỉnh trang nông thôn và tạo nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí cộng đồng của người dân tại địa phương. Chợ Yến mới có diện tích khá rộng 3.387m2, được đầu tư nhiều công trình hạng mục, có hệ thống xử lý chất thải, nhà vệ sinh, hệ thống rút nước mưa, hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu buôn bán của các tiểu thương và của người dân mua hàng tại chợ (đến nay đã có 12 hộ kinh doanh có sạp lớn và 62 hộ buôn bán nhỏ, lẻ đã di dời, chuyển hoạt động kinh doanh đến chợ Yến). Đây là chủ trương đúng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương di dời chợ Yến vẫn có một số hộ dân buôn bán nhỏ lẻ không đồng tình với việc di dời chợ, khiếu nại lên nhiều cấp từ cơ sở đến trung ương; thực sự đây là một việc đáng buồn của địa phương, thực tế không chỉ ở huyện Tuy An mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng từng phải di dời các chợ cũ do không bảo đảm an toàn, không đáp ứng nhu cầu của người mua và người bán nhưng chưa từng xảy ra việc người dân phản đối quyết liệt như vậy. Về phía các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh cũng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp nhằm tạo sự đồng thuận của tất cả các hộ dân và chính quyền xã An Hòa cũng đã quyết định miễn giảm tiền thuê ki ốt, sạp và một số lệ phí cho người dân được buôn bán các tháng đầu tiên, tạo điều kiện cho người dân ổn định khi về chợ mới.

Đến đây, trong tôi đang mong lung một dòng suy nghĩ tại sao một chủ trương đúng nhưng một bộ phận người dân lại không đồng tình. Phải chăng chợ Yến cũ đã gắn bó với cuộc sống mưu sinh của biết bao thế hệ người dân xã An Hòa, đã trở thành văn hóa, tiềm thức trong tâm trí người dân, nên một bộ phận người dân không nở xóa bỏ nó, hay vì một lý do, nguyên nhân sâu xa nào khác? Nghĩ về chợ Yến, tôi lại nhớ về những câu chuyện, hình ảnh đẹp trong cuộc sống đời thường của những con người rất đổi bình dị nhưng với tấm lòng cao cả vì sự phát triển chung của quê hương, đất nước, vì các thế hệ mai sau sẵn sàng hiến đất xây chợ, xây trường học, bệnh viện… Đến lúc này, trong tôi lại trăn trở một nỗi niềm, tại sao người dân quê tôi vốn nổi tiếng là anh dũng, kiên trung trong chiến đấu; thật thà, đôn hậu, đoàn kết trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, thì một bộ phận người dân tại hai thôn Nhơn Hội, Hội Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An đã không lấy đó là niềm tự hào, ra sức lao động sản xuất đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Phú Yên ngày càng giàu đẹp mà có những việc làm không phù hợp đi ngược lại giá trị tuyền thống tốt đẹp của quê hương. Có lẽ nổi niềm này của tôi rất mong được những người con quê hương Phú Yên trên khắp mọi miền của Tổ quốc chia sẽ, đồng hành.

Cuối cùng, bằng tấm lòng của người con quê hương Phú Yên luôn mong muốn tỉnh nhà ngày một phát triển, cuộc sống người dân ngày một nâng cao, tôi thiết nghĩ những người chưa đồng thuận với việc di dời chợ Yến cũng nên có suy nghĩ và cách nhìn khách quan, công tâm, nên xác định đâu là lợi ích lâu dài vì sự phát triển chung; không vì lợi ích trước mắt, nhận thức pháp luật mơ hồ mà có những hành động, việc làm không đúng, tập trung đông người khiếu kiện, gây rối ANTT, chống lực lượng thi hành công vụ dẫn đến vi phạm pháp luật. Đặc biệt cần nâng cao cảnh giác, tránh bị các thế lực phản động, đối tượng xấu lợi dụng kích động chống phá gây mất ổn định, ảnh hưởng đến công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.

(Tan Phuc-TTYN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.