CẦN LÀM GÌ ĐỂ QUẢN LÝ CÓ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG?

Hiện nay không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang có sức ảnh hưởng to lớn đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có việc thực hành đức tin của các tôn giáo. Với lượng thông tin truyền tải lớn, sức lan toả nhanh, cách thức đa dạng, phong phú; không bị hạn chế về phạm vi không gian, thời gian cũng như số lượng người tham gia… nên việc khai thác, sử dụng mạng xã hội để “sinh hoạt tôn giáo online” được các cá nhân, tổ chức tôn giáo cả ở trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm thực hiện thông qua các hình thức như: diễn đàn, hội thảo online; các nhóm kín; lập các website, fanpage,  kênh youtube…

Ở Việt Nam, không gian mạng cũng là nơi để các đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá “tà đạo”, “đạo lạ” và tán phát nhiều nội dung xấu, độc đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Những hoạt động này không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài với nhiều nội dung, hình thức tổ chức, lực lượng tham gia khác nhau, trong đó có các đối tượng thù địch, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bằng những thủ đoạn tạo hiệu ứng đám đông để thu hút sự theo dõi của người dân, các đối tượng xấu đã tiến hành thực hiện âm mưu tuyên truyền bài xích tôn giáo chính thống, tạo mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết dân tộc; bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo nhằm kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; phối hợp với các cá nhân, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam…

Trước tình hình trên, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tôn giáo trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp để mọi người dân khi tham gia mạng xã hội nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, từ đó không tin theo “tà đạo”, “đạo lạ”, tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình xây dựng các phóng sự, chương trình tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo khi tham gia các trang mạng xã hội. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn trong đường lối, chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về tình hình và công tác tôn giáo; đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng….

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ các chế tài xử lý vi phạm; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp và không hợp pháp trên không gian mạng chưa chặt chẽ; việc ngăn chặn, đấu tranh với các tôn giáo và hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên không gian mạng còn bị động, xử lý thiếu kịp thời; công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về tôn giáo trên không gian mạng chưa được chú trọng đúng mức….

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, trong thời gian đến thiết nghĩ cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp để mọi người dân khi tham gia mạng xã hội nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, từ đó không tin theo “tà đạo”, “đạo lạ”, tổ chức tôn giáo bất hợp pháp; phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tham gia tuyên truyền, đấu tranh, phản bác những hoạt động lợi dụng, mượn danh tín ngưỡng, tôn giáo để phát tán những quan điểm, nội dung lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng. Trong đó, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Thứ ba, chủ động tăng cường các giải pháp đấu tranh ngăn chặn những âm mưu và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận để kích động, chia rẽ đoàn kết tôn giáo trên không gian mạng; bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; phát huy vai trò tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự tham gia đông đảo của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân trên không gian mạng nhằm đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

(KPB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.