Hạn chế tác động xấu của mạng xã hội đến công chúng

Việc sử dụng các mạng xã hội giúp các cơ quan báo chí quảng bá được hình ảnh, giới thiệu thông tin đến với hàng triệu người sử dụng mạng Internet… Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt của nó.

Ảnh minh họa

Theo nhiều chuyên gia, sự phát triển của công nghệ số cũng khiến không ít tờ báo điện tử học theo các trang mạng xã hội “chạy” theo xu hướng thị trường, đưa thông tin giật gân, câu khách, quên đi vai trò quan trọng của mình là tuyên truyền những nội dung lành mạnh, định hướng xã hội.

Hơn lúc nào hết, mỗi cơ quan báo chí và nhà báo cần nhìn nhận lại mình không để bị cuốn theo những tiêu cực, đánh mất chính mình và làm mất niềm tin của công chúng.

Không đồng hóa nghề báo với việc cung cấp thông tin

Mạng xã hội ngày càng phát triển và đang được coi là một cách thức để báo chí thiết lập các mối quan hệ với công chúng.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí cũng tham gia vào mạng xã hội, như Facebook, Zalo, Twitter… hoặc cung cấp các ứng dụng trên điện thoại thông minh tự động cập nhật vào các bài báo của mình, để thu hút, gia tăng lượng độc giả.

Việc sử dụng các mạng xã hội giúp các cơ quan báo chí quảng bá được hình ảnh, giới thiệu thông tin đến với hàng triệu người sử dụng mạng Internet… Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt của nó.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhận định mạng Internet đã làm thay đổi tất cả nhưng cũng đồng thời làm thay đổi thói quen của người đọc.

Trước đây, báo chí là “người gác cổng” thông tin và chỉ có báo chí mới có phương tiện cũng như các kênh truyền thông để cung cấp thông tin cho công chúng. Nhưng hiện nay, công chúng cũng không cần đến báo chí để biết chuyện gì đã xảy ra. Việt Nam hiện có gần 19.000 nhà báo nhưng có tới hơn 60 triệu người sử dụng mạng Internet.

Vì vậy, nếu có sự kiện gì xảy ra, bất cứ người sử dụng mạng xã hội nào cũng trở thành người cung cấp thông tin. Thách thức ở đây đối với nhà báo là vai trò “người gác cổng,” cung cấp thông tin đã bị mất đi bởi người sử dụng mạng xã hội có ở bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi các nhà báo chưa đến được.

Mạng xã hội (kênh truyền thông xã hội) và nhà báo (kênh truyền thông truyền thống) khác nhau ở chỗ: kênh truyền thông chính thống là do những người làm nghề báo cung cấp thông tin.

Nói đến nghề nghiệp, nghĩa là công việc này phải làm một cách chuyên nghiệp, các thông tin phải chính xác, trung thực với cách thức hấp dẫn và phải được kiểm chứng rõ ràng. Vì vậy, dù mạng xã hội có nhanh đến đâu nhưng thông tin chưa được kiểm chứng, người dân cũng không tin tưởng; chỉ khi thông tin đó được đưa lên báo, lúc đó thông tin mang tính xác thực và có tác động đến người dân.

Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, nhà báo có thể buông xuôi, chỉ lấy thông tin và trở thành “người đưa tin” cho mạng xã hội, chú trọng vào các nội dung hot, chứ không phải thực hiện chức trách nghề nghiệp của mình.

Bởi ngoài việc cung cấp thông tin, báo chí phải đóng vai trò định hướng, cung cấp thông tin mang tính chọn lọc, có kiểm chứng trong khi mạng xã hội không bị ràng buộc, có thể thông tin thoải mái. Điều này dễ dẫn đến đồng hóa nghề báo với nghề cung cấp thông tin.

Hiện nay, khi thị trường và môi trường truyền thông thay đổi, nhiều cơ quan báo chí phải tìm mọi cách để có thể tồn tại. Vì vậy, họ phải tìm mọi cách để thu hút quảng cáo hoặc đẩy phóng viên đi viết, liên hệ quảng cáo, biến nghề báo thành nghề viết quảng cáo, PR cho doanh nghiệp.

Nhiều trang thông tin điện tử – tự lấy “mác” là tờ báo đưa các thông tin giật gân, câu khách bằng các nội dung liên quan đến scandal của các ngôi sao, thông tin các vụ án mà không nghĩ đến sự nguy hiểm đối với giới trẻ.

“Vai trò của báo chí là giáo dục, định hướng, xây dựng giá trị văn hóa, giá trị về cuộc sống. Có nhiều câu chuyện cảm động về những người tốt, hy sinh bản thân để giúp người khác nhưng thông tin này ít được truyền bá, chỉ thấy lan truyền những thông tin vô bổ, mang tính giải trí. Cứ như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá trị thông tin của xã hội. Báo chí còn là kênh cung cấp thông tin tri thức. Tri thức gì khi chỉ đọc thông tin giải trí, không quan tâm đến chính trị, khoa học, cuộc sống? Khi hỏi sinh viên của mình đọc gì, phần lớn các em nói chỉ đọc kenh14. Đây là điều khiến tôi giật mình, lo ngại” – Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng trăn trở.

Nhận thức rõ hơn về tính chất nghề nghiệp

Cuối năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm 3 chương, 7 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo đó, các quy tắc quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Quy tắc quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện; đồng thời, quy định trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng những trường hợp thực hiện nghiêm và kỷ luật người làm báo vi phạm các quy định của Quy tắc này.

Ngoài việc quy định cụ thể những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm và những việc/điều không được làm khi tham gia mạng xã hội, Quy tắc cũng quy định rõ ràng, chi tiết trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện Quy tắc; trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện nghiêm các nội dung của Quy tắc, kỷ luật theo từng mức độ đối với người làm báo vi phạm các quy định của Quy tắc này.

Việc ban hành Quy tắc này của Hội Nhà báo Việt Nam được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, uy tín của người làm báo Việt Nam.

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến để ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có quy định đối đối với nhà báo Việt Nam. Để Bộ quy tắc sớm đưa vào thực tiễn và được thực hiện có hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội, báo chí, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cho rằng việc ban hành các quy tắc về sử dụng mạng xã hội là hết sức cần thiết, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng khẳng định, các nguyên tắc này không ảnh hưởng gì đến việc tác nghiệp, chỉ giúp các nhà báo nhận thức rõ hơn về tính chất, nghề nghiệp của mình để làm việc một cách chuyên nghiệp, chứ không thể làm theo kiểu “amateur,”có thể viết bất cứ nội dung gì và tung lên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, một nhà báo có thể viết những thông liên quan đến gia đình, vợ con, nấu ăn, đi chơi… Nhưng khi nhà báo đó đưa ra một quan điểm về một vấn đề nào đó, nó không mang tính chất cá nhân nữa. Đã có câu chuyện một nhà báo bị phạt vì lăng mạ cô hoa hậu. Có ý kiến cho rằng đó là quan điểm cá nhân nhưng dù sao cá nhân đó vẫn là nhà báo…, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng nói.

Bất cứ phát ngôn nào đưa ra, đó sẽ là phát ngôn chính thức của các nhà báo. Vì vậy, mỗi nhà báo cần phải cẩn trọng hơn trong việc sử dụng mạng xã hội khi đưa ra các quan điểm, chính kiến của mình. Nghề nào cũng vậy, cần có đạo đức nghề nghiệp và nên chú ý hành xử của mình để công chúng khỏi bối rối khi tiếp nhận thông tin. Làm báo càng minh bạch, đưa ra vấn đề rõ ràng, công chúng càng tiếp nhận một cách chính xác, dễ tiếp thu thông điệp được đưa ra hơn. Đó là việc cần thiết.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng nhấn mạnh trong thời đại hiện nay, nghề báo đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức. Công chúng không đánh giá cao nghề báo vì họ còn nhìn thấy có những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tống tiền doanh nghiệp.

Trong cộng đồng những người làm báo, nếu không mạnh mẽ tẩy chay những đồng nghiệp vi phạm, nghề báo sẽ bị mang tiếng xấu, mất uy tín, bị công chúng quay lưng. Mỗi nhà báo cần lên án những đồng nghiệp sai trái, đừng che giấu cho nhau, bởi nếu không có sự rạch ròi, minh bạch, sẽ tác động đến công chúng và làm mất lòng tin trong xã hội.

Tính chuyên nghiệp bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời là cái đích phía trước đòi hỏi mỗi nhà báo phải hướng tới trên cơ sở tự học, tự đào tạo, tự rèn luyện theo những chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Tính chuyên nghiệp của nhà báo là hạt nhân để xây dựng nên tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại. Không có những nhà báo tài năng, có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp sẽ không thể có một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại./.

TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.