Cần tránh xa những kẻ “Vừa ăn cướp, vừa la làng”

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, tiếng Việt vốn dĩ rất phong phú và đa dạng nên dân ta mới có câu thành ngữ “vừa ăn cướp, vừa la làng”, có nơi lại nói “vừa đánh trống vừa ăn cướp”. Dù nói cách nào đi nữa thì những câu nói này chỉ có một ý nghĩa chung nhất đó là dùng để ám chỉ cho những kẻ xấu xa, ma lanh, gian xảo đang tồn tại trong đời sống xã hội.

Những kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng” rất giỏi đóng kịch, khi chúng dàn dựng ra những vở kịch thì ai cũng ngỡ rằng đó là sự thật. Đại thể: chúng ăn cướp của người khác rồi lại lu loa như thể mình bị mất của, để đổ vấy cho người khác, hay có tên cướp giật đang bị đuổi bắt nhưng lại khôn khéo nhập đám đuổi bắt, thậm chí còn đóng cả vai người đánh trống, hô hoán đuổi bắt cướp. Cứ như thế, trong đời sống xã hội hàng ngày đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện phiền toái oái oăm, chướng tai gai mắt. Người tốt đôi khi bị oan uổng, bị đánh đập tàn nhẫn, bị trừng trị nhầm. Trái lại, kẻ ăn cướp do ma lanh, gian xảo mà đã kiếm chác được của cải lại còn được cảm thông, an ủi, thậm chí đôi khi lại được tiếng thơm.

Câu“vừa ăn cướp, vừa la làng” ra đời gắn liền với những vụ việc có thật trong cuộc sống và mang ý nghĩa ám chỉ như đã nói ở trên. Ở đây, khi nói đến câu thành ngữ này, tôi xin nói với mọi người bằng một ý nghĩa khái quát hơn, đó là nhằm chỉ những hành vi cố ý làm việc sai trái lại còn lớn tiếng vu cáo cho người khác, làm ra vẻ như mình là nạn nhân, đó là hành vi đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận. Chuyện vừa xảy ra ở quê tôi (thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân, Sơn Hòa, Phú Yên) mà chính quyền huyện Sơn Hòa từ người hùng bỗng trở thành nạn nhân bị một đám vô công rỗi nghề, thiếu hiểu biết hùa vào cào bàn phím phản ứng. Đó là vụ việc bà Đàm Thị Hoa bị chính quyền huyện Sơn Hòa lập biên bản tịch thu toàn bộ gỗ Keo lá Tràm “vô chủ” mà gia đình bà vừa mới khai thác trái phép tại tiểu khu 187 thuộc thôn Liên Sơn, Sơn Xuân do UBND xã Sơn Xuân, Sơn Hòa quản lý vào ngày 6/7/2019. Tôi dùng từ “vô chủ” là nó có cái lý của nó, cái lí ở đây xin được thông tin đến cho mọi người để có cái nhìn đúng đắn từ nhiều chiều, đừng hiểu theo một chiều khi chỉ xem qua những bài viết, hình ảnh, video được đăng trên các trang Facebook cá nhân của “Kairo Hòa TV” và “Hoa Ly Dam” với tựa đề “TỈNH PHÚ YÊN: BÀ ĐÀM THỊ HOA KÊU CỨU VÌ BỊ CHÍNH QUYỀN NGANG NHIÊN THU HỒI GỖ KEO DO BÀ TRỒNG CÓ TUỔI ĐỜI 5 NĂM”.

Thoạt đầu mới xem qua loạt bài này tôi cũng như mọi người, cứ ngỡ rằng chính quyền ức hiếp dân là có thật nhưng khi tìm hiểu kỹ thì biết được một sự thật hoàn toàn không đúng như những gì mà những bài viết, video đã thể hiện. Bà Đàm Thị Hoa đúng là một kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”, đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận. Xin được chia sẻ kết quả tìm hiểu rất khách quan của tôi như sau: năm 2015, qua công tác kiểm tra bảo vệ rừng, trạm Kiểm lâm và UBND xã Sơn Xuân phát hiện một khoảnh lớn rừngtại khu vực Bà Cửu thuộc thôn Liên Sơn,do UBND xã Sơn Xuân quản lý bị tàn phá để lấy đất trồng keo. Riêng tại tiểu khu 187 là do bà Đàm Thị Hoa và chồng là ông Nguyễn Văn Lung tàn phá. Hạt kiểm lâm đã nhiều lần mời gia đình bà Hoa đến trụ sở UBND xã để làm việc. Nhưng trong các buổi làm việc bà Đàm Thị Hoa đều từ chối không thừa nhận, kể cả khi trên diện tích rừng bị tàn phá đã có keo trồng. Từ năm 2016 đến khi gia đình bà Hoa khai thác keo, năm nào UBND xã Sơn Long cũng ra thông báo truy tìm chủ rừng keo tại tiểu khu 187 trên đài Truyền thanh của xã và niêm yết công khai văn bản tại trụ sở UBND xã nhưng không có ai đến nhận đó là của mình. Thử hỏi, qua nhiều lần làm việc và thông báo như nói ở trên nhưng gia đình bà Hoa không thừa nhận là chủ của rừng Keo thì đây có phải là rừng Keo “vô chủ” không? Và gia đình bà Hoa có tư cách pháp lý gì để tiến hành khai thác Keo ngang nhiên như vậy? Việc ngày 6/7/2019 gia đình bà Hoa tự ý đến khai thác Keo thì bị chính quyền huyện Sơn Hòa lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và thu giữ toàn bộ số Keo mà gia đình bà Hoa đã khai thác là đúng pháp luật và phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam. Chính gia đình bà Hoa đã “cướp rừng” của nhân dân và cố tình quay lại cảnhlàm việc của chính quyền huyện Sơn Hòa,đăng tải lên Facebook cá nhân của mình và cung cấp cho Facebook “Kairo Hòa TV” với dụng ý xuyên tạc sự thậtđể đánh lừa dư luận, gây áp lực với chính quyền. Tôi chưa muốn nói rằng, gia đình bà Hoa đã vi phạm vào tội “Hủy hoại rừng” được quy định tại điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Bởi vì để có được diện tích đất trồng Keo, gia đình bà Hoa đã phá rừng một lần và khi thu hoạch gia đình bà Hoa đã phá rừng thêm một lần nữa.

Có nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng vì sao cùng trong khu vực nhưng những người khác thu hoạch keo được còn gia đình bà Hoa thì không? Mỗi sự việc đều có sự khác nhau về bản chất, mọi sự so sánh đều khập khiễng nên cần phải tìm hiểu cho thật kỹ rồi hãy lên tiếng,trường hợp bà Hoa người dân đã báo cáo kịp thời lên chính quyền, buộc chính quyền phải xử lý, còn các trường hợp khác nếu có vi phạm thì chắc chắn cũng sẽ bị xử lý công bằng, bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật.

Sơn Xuân quê tôi, những cánh rừng bạt ngàn ngày xưa nay đã không còn nữa, rừng là lá phổi xanh của con người nhưng vì lợi nhuận kinh tế mà con người đã ra tay tàn phá, hủy hoại không thương tiếc. Rừng không còn cũng đồng nghĩa với việc con người dần dần sẽ bị hủy diệt. Khi viết bài này tôi mong muốn mọi người hãy ra tay chung sức, chung lòng cùng nhau bảo vệ những cánh rừng mới hồi sinh và lên án mạnh mẽ những hành vi hủy hoại rừng, đặc biệt là phải đấu tranh vạch trần bản chất của những kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng” như bà Đàm Thị Hoa, tẩy chaynhững kẻ “ăn không ngồi rồi”, gõ phím phụ họa, dối lừa thiên hạ, cổ súy cho những hành vi sai trái như cái tên “Kairo Hòa TV”.

Trần Sơn Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *