Cần phải tuân thủ pháp luật khi tham gia mạng xã hội

Ngày 01/01/2019 Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực, với 7 chương, 43 điều. Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trên không gian mạng, Luật An ninh mạng đã siết chặt hơn nữa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đã có nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng, đồng thời có các chế tài xử lý theo các quy định của pháp luật. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng Internet phải hiểu về quyền và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội số an toàn, an ninh hơn.

Từ khi mạng Internet được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, đã có rất nhều tiện ích, tiện lợi và gần như đã thay đổi cơ bản về một số mặt hoạt động của con người như hoạt động sản xuất – kinh doanh, giao tiếp, thông tin liên lạc, lưu trữ tài liệu, trao đổi – giao lưu văn hóa… không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn ở mức độ quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích của Internet, đã có nhiều vấn đề bất cập phát sinh và chiều hướng ngày càng phức tạp, nguy hiểm như tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng, vi phạm pháp luật trên không gian mạng…Theo số liệu thống kê tính đến tháng 12/2018, có khoảng 64 triệu người dùng Internet (66%), xếp thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng mạng xã hội Facebook cao nhất thế giới. Việc tham gia mạng xã hội, dù chiếm tỷ lệ người dùng lớn, đặc biệt là giới trẻ, nhưng việc hiểu đúng, tuân thủ pháp luật và ứng xử có văn hóa, không vi phạm pháp luật trên mạng xã hội còn nhiều hạn chế. Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng, phát thông tin sai trái, bịa đặt, vu khống, xúc phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, thậm chí có trường hợp ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, quốc gia, dân tộc.

Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh:“Đời thực thì chúng ta thở bằng không khí, không gian mạng thì chúng ta thở bằng tin tức nội dung. Thực tiễn chúng ta có hàng ngàn tấn rác, nếu chúng ta không dọn thì ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn, nó ảnh hưởng đến não người”. Trên thực tế, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trong phạm vi cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trên không gian mạng, sau đây là những ví dụ điển hình:

– Ngày 6/6/2019 Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh về hành vi “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Tòa Tuyên phạt Nguyễn Ngọc Ánh 06 năm tù giam. Theo cáo trạng, từ tháng 3-8/2018, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre phát hiện Nguyễn Ngọc Ánh sử dụng nhiều amail, mạng xã hội phát sóng trực tiếp (live stream), trao đổi thông tin, cung cấp hình ảnh, tư liệu kết nối với 14 tài khoản mạng xã hội khác để phát tán, chia sẻ các nội dung tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tổ chức biểu tình, xuyên tạc chính sách pháp luật, hoạt động ngoại giao, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vu khống, bịa đặt, gây tâm lý hoang mang, chống phá chế độ. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Ánh còn tuyên truyền nhiều thông tin bịa đặt có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, gây tâm lý nghi ngờ, hoang mang trong nhân dân. Bị cáo Ánh còn tham gia kêu gọi, kích động người dân biểu tình vào tháng 6/2018 và dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2018.

– Ngày 23/5/2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định xử phạt hành chính Duy Quách với mức phạt 7.500.000đ về hành vi đăng tải nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân theo Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Duy Quách là chuyên viên Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nấp dưới chiêu bài “chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” đã đăng tải trên facebook cá nhân nhiều nội dung chống phá Đảng, nhà nước và thành phố Hồ Chí Minh.

– Ngày 18/5/2019 Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đối với 04 đối tượng (Lê Quang Cường, Nguyễn Thị Loan, Lê Khắc Linh, Đặng Nguyên Tùng). Trước đó, những đối tượng này đã sử dụng Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận với những nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Công an huyện Tĩnh Gia khi lực lượng này tham gia công tác cưỡng chế, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện.

– Trước đó, vào tháng 3/2019, các cơ quan chức năng ngành Thông tin và Truyền thông ở Bộ và một số địa phương đã mời làm việc, xử lý nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, sai sự thật trên mạng xã hội Facebook liên quan đến vụ việc dịch tả lợn châu Phi gây hoang mang dư luận…

Cùng với các địa phương trong nước, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp khi tham gia mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, xuyên tạc về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ủng hộ các đối tượng chống đối chính quyền. Điển hình là trường hợp Võ An Đôn, bị xử lý kỷ luật xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên; Trần Thị Tuyết Diệu, bị kỷ luật buộc thôi việc, thu hồi thẻ nhà báo; ngoài ra, cơ quan chức năng đã mời làm việc, giáo dục, nhắc nhở rất nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, kích động gây rối, biểu tình phản đối dự thảo Luật đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng và các vấn đề nổi cộm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, vào tháng 4/2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng mời làm việc 02 trường hợp: một trường hợp tại thành phố Tuy Hòa vì đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook cá nhân, phản ánh thông tin thịt heo mua ở chợ Tân Hiệp bị nhiễm sán, gây hoang mang dư luận, tác động xấu đến thị trường kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, qua làm viêc đã tuyên truyền, nhắc nhở và người vi phạm cũng đã cam kết rút kinh nghiệm, gỡ bài trên Facebook cá nhân; mời làm việc và xử lý theo quy định một trường hợp nhân viên 01 hãng taxi có hành vi vu khống, xúc phạm nhân phẩm cá nhân người khác trên Facebook cá nhân.

Từ những vụ việc trên đây cho thấy, nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật An ninh mạng (được quy định cụ thể tại Điều 8 “Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng”, Điều 16 “Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, Điều 18 “Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”…) thì tùy vào hành vi và mức độ vi phạm mà người dùng mạng xã hội có thể bị xem xét xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý bằng các hình thức khác phù hợp theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, vấn đề đặt lên hàng đầu vẫn là ý thức của người dùng mạng xã hội, thay vì biến mình thành những người thiếu trách nhiệm, cơ hội, cực đoan…thì mỗi cá nhân hãy suy nghĩ và hành động để hướng tới những điều có ích cho cộng đồng, xã hội, điều đó góp phần giúp cho xã hội phát triển ổn định, lành mạnh.

Như Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *