Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của kẻ bồi bút Phạm Trần

Vừa qua, trên trang blog Dân làm báo, đối tượng Phạm Trần tán phát bài viết: “Tại sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc ra Biển Đông?”, nội dung xuyên tạc về tình hình Biển Đông; vu cáo lực lượng Hải quân và Biên phòng Việt Nam không bảo vệ người dân, bôi nhọ, xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; kích động tư tưởng “bài Trung”; kêu gọi Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. 

Trước hết, cần khẳng định rằng, những luận điệu trên của đối tượng Phạm Trần là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, lừa bịp người dân nhằm kích động, xúi giục, tuyên truyền những quan điểm sai trái gây mất ổn định chính trị – xã hội, tác động xấu đến tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý các mối quan hệ quốc tế và khu vực hiện nay là luôn phải tỉnh táo, bình tĩnh, khôn khéo, để không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang, chiến tranh; giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Kiên trì đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo. Quán triệt quan điểm trên, thời gian qua Đảng, Nhà nước ta và các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để giữ vững và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Việt Nam luôn chủ trương, chủ động xử lý đúng đắn nhiều vấn đề nhạy cảm bằng đối thoại, thương lượng thông qua con đường ngoại giao; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Tóm lại, những vấn đề mà Phạm Trần nêu ra trong bài viết của mình bộc lộ nhận thức phiến diện, cố tình xuyên tạc mối quan hệ Việt – Trung và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ cũng như quan điểm về giải quyết mâu thuẫn, bất đồng trên biển Đông của Đảng và Nhà Nước ta hiện nay. Do vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của Phạm Trần.

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *