Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn thông tin giả trên mạng xã hội

Hiện nay, bên cạnh những tiện ích to lớn mà mạng xã hội mang lại, người dùng đã và đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có vấn nạn tin giả. Tin giả trong xã hội là ảo nhưng gây hại nguy hiểm đến thế giới thực. Vì vậy, việc nhận diện, đấu tranh với thông tin giả trên mạng xã hội trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay.  

Sự linh hoạt, thuận tiện của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… là không thể phủ nhận. Bên cạnh việc tiếp cận thông tin, người dùng có thể chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề mà mình quan tâm. Người dùng không chỉ tiếp cận một chiều mà hoàn toàn có thể phát triển tư duy và sự sáng tạo của bản thân, góp phần làm giàu tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội, tri thức, dữ liệu được tạo ra trên từng giây, trong số đó có rất nhiều thông tin giả, thông tin xấu, độc, có hại cho người dùng.

Tin giả có thể hiểu đơn giản là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, sai lệch về nội dung và được phát tán rộng rãi, với tốc độ vô cùng nhanh trên các phương tiện truyền thông. Có thể đó là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; có thể là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải hoặc chia sẻ. Dù ở thể loại nào thì đây hoàn toàn là những thông tin không đáng tin cậy, xuất hiện với cường độ lớn, mật độ dày đặc trên nhiều nền tảng mạng xã hội, dễ gây nên những nhận thức sai lầm trong dư luận xã hội.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện cho đến tháng 3/2020, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch Covid-19 trên không gian mạng bị cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động đã tung hàng nghìn tin giả, tin đồn thất thiệt liên quan đến công tác nhân sự Đại hội, nguy hại hơn chúng ra sức xuyên tạc, bịa đặt về đời tư cá nhân, bôi nhọ thanh danh, uy tín của những cá nhân lãnh đạo trong diện quy hoạch nhân sự. Mục đích nhằm làm cho người đọc lầm tưởng, không nhận diện được đúng – sai, dễ dao động về tư tưởng, mất niềm tin, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng…

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống tin giả là việc làm cấp bách hiện nay. Do đó, để nhận diện, đấu tranh hiệu quả với các thông tin giả trên không gian mạng đòi hỏi người dùng mạng xã hội cần ý thức rõ việc thiết lập “vùng an toàn” trong khuôn khổ pháp luật; để một mặt bảo đảm sự an ninh, an toàn cho cá nhân, mặt khác bảo vệ quyền lợi của quốc gia, dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Người dùng mạng xã hội hoàn toàn có thể nhận diện, “chỉ mặt, đặt tên” những thông tin sai sự thật với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ tìm kiếm như google, người đọc sẽ nhanh chóng tìm thấy sự so sánh, đối chiếu đơn giản, dễ dàng tìm ra chân lý của sự việc. Mỗi cá nhân cần tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh, loại bỏ thông tin giả trên mạng xã hội. Hiện nay hành lang pháp lý và các công cụ kỹ thuật hoàn toàn cho phép người dùng mạng xã hội phát hiện, tố giác với các cơ quan chức năng về những thông tin giả mạo. Luật Hình sự, Luật An ninh mạng… đều có những điều khoản quy định cho phép công dân tố cáo những hành vi đưa tin sai sự thật, lừa đảo trên mạng internet.

KSSB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.