CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU LỢI DỤNG DỰ ÁN XÂY DỰNG KÊNH FUNAN TECHO ĐỂ CHỐNG PHÁ MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM – CAMPUCHIA

Vừa qua, Chính phủ Campuchia đã chính thức ký thỏa thuận với đại diện của Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc nhằm tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng kênh Funan Techo, nối sông Bassac ở đoạn phía nam thủ đô Phnom Penh tới cảng Kep ở ven vịnh Thái Lan. Trước vấn đề này, trên không gian mạng đã xuất hiện rất nhiều bài viết, video, bình luận về dự án kênh đào Funan và những tác động đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Điển hình như bài viết “Vì sao Việt Nam cần lo ngại nhiều hơn đối với Dự án đào kênh Funan – Techo của Campuchia” đăng trên trang blog Toàn Cầu; bài viết “Vì sao đồng bằng sông Cửu Long sẽ chết?” đăng trên trang blog Việt Nam Thời Báo. Nội dung các bài viết đều đưa ra nhiều thông tin sai lệch về các tác động của Dự án kênh đào Funan Techo đến đồng bằng sông Cửu Long nhằm gây hoang mang dư luận; đồng thời kích động quần chúng Nhân dân biểu tình gây sức ép lên chính quyền Việt Nam ngăn cản Campuchia xây dựng dự án; gây chia rẽ mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Campuchia.

Chúng ta cần nhận thức đúng rằng, với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc triển khai dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ riêng cho vương quốc Campuchia mà còn nhiều quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lục địa. Vì vậy dự án sẽ có tiềm năng được nhiều quốc gia tham gia hợp tác, đầu tư, giúp cho Campuchia có vốn, cơ sở hạ tầng để thực hiện thi công kênh đào Funan. Việt Nam và Campuchia vốn là những đối tác thương mại thân thiết trong khu vực: “về thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Campuchia tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 9,3 tỷ USD, tăng 84% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất sang Campuchia đạt 4,7 tỷ USD, nhập khẩu từ Campuchia đạt 4,6 tỷ USD”.  Ngoài ra, 2 nước luôn có sự đầu tư cho những dự án của nhau, cụ thể: “Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài; Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.” Điều đó cho thấy rằng, hai nước đã đạt được kết quả tích cực trong hợp tác song phương. Bên cạnh đó, việc tích hợp kênh đào Funan với tuyến đường sắt xuyên Á có khả năng thúc đẩy Việt Nam thực hiện hoàn thiện các cơ sở vật chất, đảm bảo các quy định để xem xét mở một tuyến sang Việt Nam ở các tỉnh phía Nam. Tiêu biểu là thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm tài chính của miền Nam cũng như cả nước. Khi thực hiện được sự liên kết này, quá trình vận chuyển hàng hóa sẽ được giảm thời gian và chi phí hơn, tạo điều kiện cho sự hợp tác ở biên giới giữa 2 quốc gia được nâng cao. Khi thực hiện dự án kênh đào Funan, điều này sẽ giúp cho cảng biển của 2 nước phát triển và hoạt động mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, không chỉ phát triển về hệ thống vận chuyển, sự hợp tác cũng sẽ thúc đẩy hai nước hoạt động mạnh mẽ hơn về ngư nghiệp, khai thác khoáng sản. Việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ đến từ cả 2 nước sẽ tạo điều kiện cho người dân, nguồn lao động của hai quốc gia có những cơ hội việc làm đa dạng và tốt hơn. Từ những điểm sáng này, 2 nước sẽ có khả năng nhận được đầu tư từ các nước khác trong khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng hơn.

Từ phân tích và dẫn chứng như trên, chúng ta cần nhận thức sâu sắc, có thái độ đúng đắn với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhất là mối quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, không mắc mưu các thế lực thù địch. Đề cao trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối đối ngoại ở nước ta.

QUỐC SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.