CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA VIỆT NAM

Thực tiễn qua hơn 37 năm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thể chế kinh tế, đặc biệt là hệ thống luật pháp và bộ máy quản lý ngày càng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ, phù hợp; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững… 

Thế nhưng, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động lại tiếp tục tích cực tán phát nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc bản chất, phủ định thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng xuyên tạc rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, qua đó theo một phương án duy nhất là phát triển thành kinh tế tư bản chủ nghĩa; không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Việt Nam đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa bằng việc xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong khi vẫn tuyên truyền, mị dân bằng cách sử dụng các từ ngữ, khái niệm của chủ nghĩa xã hội… Có thể thấy, những luận điểm trên đã bộc lộ mưu đồ đen tối là nhằm xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những nội hàm cơ bản về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”…

Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường, bao gồm các quốc gia phát triển như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh… Hoa Kỳ cũng đang trong quá trình xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của nước ta. Vì vậy, những luận điểm sai trái về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là những quan điểm chủ quan, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu sai trái, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

(NA.PB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *