Cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn…

Mới đây, liên quan vụ bạo lực học đường xảy ra tại một trường quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh đang được nhiều người quan tâm, BBC Tiếng Việt liền chộp ngay “tin sốt dẻo” này làm cái cớ để xỉa xói công tác quản lý giáo dục nói chung, xử lý vấn đề bạo lực học đường nói riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, BBC Tiếng Việt bằng việc dẫn quan điểm của James Thạnh Nguyễn – du học sinh Mỹ cho rằng “Tại Mỹ, vấn đề bạo lực học đường được xử lý rất tốt. Giáo vụ, cảnh sát, hội cha mẹ học sinh sẽ vào cuộc giải quyết ngay chứ không chậm trễ như tại Việt Nam. Bạo lực học đường không có chốn dung thân tại Mỹ” đã làm dậy sóng cộng đồng mạng, khiến cho người ta hoài nghi về trình độ nhận thức cũng như mức độ thảm hại của đội ngũ biên tập kênh này.

Thứ nhất, về thời điểm trích đăng quan điểm trên. Làm sao BBC có thể nói người mà không ngẫm đến ta như vậy khi mà mới hôm 24/5 đây, ngay tại nước Mỹ đã xảy ra một vụ nổ súng trong một trường tiểu học khiến 21 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh. Đây là vụ xả súng thứ 27 tại trường học trong tổng số 213 vụ  xả súng hàng loạt xảy ra tại Mỹ tính từ đầu năm đến nay. Như vậy, trung bình mỗi tuần ở nước này có khoảng 10 vụ xả súng khiến 30 người thiệt mạng. Đó là chưa kể đến những vụ xả súng nhằm vào các trường học khiến không chỉ người Mỹ mà cả thế giới rúng động trong suốt thời gian qua, như: Vụ thảm sát trường trung học Columbine, quận Jefferson, bang Colorado (năm 1999) khiến 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng, 24 người khác bị thương. Hai hung thủ sau đó cũng đã tự sát; Vụ thám sát Đại học Bách khoa Virginia (năm 2007) khiến 32 người thiệt mạng và 33 người khác bị thương. Sau đó, thủ phạm đã tự sát; vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook, thị trấn Newtown, bang Connecticut, miền Nam nước Mỹ (năm 2012) khiến 20 học sinh và 6 người lớn tử vong trước khi hung thủ dùng súng tự sát; vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida (năm 2018) khiến 17 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương; vụ xả súng tại trường trung học Santa Fe ở Texas (năm 2018) khiến 10 người, trong đó có 8 học sinh thiệt mạng… Thật là những con số kinh hoàng song BBC lại cố tình lờ đi như cái cách mà nhà đài này vẫn từng làm trong suốt thời gian qua.

Thứ hai, quay lại vấn đề “bạo lực học đường”, chỉ với các từ khoá như “bạo lực học đường ở Mỹ” hay “xả súng ở trường học”, ngay lập tức hàng nghìn kết quả về các vụ bạo lực học đường ở Mỹ với các con số rất chi tiết và đáng sợ, cụ thể: Theo Báo cáo năm 2015 của Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ, có 83% bé gái và 79% bé trai báo cáo là đã từng trải qua việc bị bạo hành; ước tính có khoảng 160.000 học sinh không đến trường mỗi ngày vì sợ bị bạo hành hoặc lời hăm dọa của học sinh khác; 1/10 học sinh nghỉ học khỏi trường do là nạn nhân của bạo lực học đường thường xuyên; 75% các vụ bắn nhau tại trường học đều liên quan đến bạo lực học đường; gần 70% trong số học sinh bị bạo hành đều nói rằng nhà trường đã không có biện pháp thiết thực đối với tình trạng này… Còn theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận YouthTruth thực hiện năm 2018 với 160.000 học sinh trung học ở 27 bang, tỷ lệ 1/3 nói trên cho thấy bạo lực học đường tăng so với 2 năm trước đó. Nghiên cứu cho thấy học sinh trung học cơ sở có nguy cơ bị bắt nạt cao hơn học sinh trung học phổ thông. Gần 40% học sinh trung học cơ sở cho biết bị bắt nạt. Tỷ lệ này ở học sinh trung học phổ thông là 27%. Đáng lưu ý, tỷ lệ bắt nạt ở mức cao ở các trường có đa số học sinh là người da trắng. Học sinh da màu trong các trường này bị bắt nạt ngày càng nhiều…

Thực tế, tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang trở nên phổ biến tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4 – 6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Số liệu này ngày càng tăng, khiến bạo lực học đường trở thành vấn đề chung của giáo dục quốc tế. Dẫu vậy, đối với những “nhà dân chủ”, những đối tượng “sính Mỹ” thì “cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn…” mặc cho tình trạng đáng báo động về bạo lực súng đạn tại nước này. Cứ mỗi khi có một vụ xả súng giết người hàng loạt xảy ra, nhất là trong trường học thì lại dấy lên những cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng đạn và vấn đề bạo lực. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, đến nay Mỹ dường như vẫn “bế tắc” trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Bất chấp số nạn nhân của súng đạn ngày càng tăng lên, số người kêu gọi kiểm soát súng đạn ngày càng nhiều thì một bộ phận lớn chính trị gia Mỹ vẫn kiên quyết phản đối việc này, minh chứng là: Hiệp hội súng ở Mỹ có tới 5 triệu thành viên. Trong 20 năm qua, các công ty sản xuất súng tại Mỹ đã tung ra thị trường hơn 139 triệu khẩu súng thương mại trong đó chỉ riêng năm 2020 là 11,3 triệu khẩu. Năm 2016 các thống kê cho biết Hiệp hội súng ở Mỹ đã quyên góp gây quỹ 55 triệu USD cho các ứng cử viên tổng thống và quốc hội…

Ron Jacobs một nhà báo của Mỹ, từng có nhiều bài viết lên án chủ nghĩa tư bản mới đây có bài viết “Hãy cấm những khẩu súng chết tiệt”, bày tỏ phẫn nộ trên báo điện tử CounterPunch lên án quyền tự do súng đạn ở Mỹ và bóc trần bản chất nền dân chủ Mỹ sau vụ thảm sát hôm 24/5 mới đây. Qua tất cả những gì đang diễn ra trong lòng nước Mỹ và trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nước, Ron Jacobs đã kết luận: “Đây là một quốc gia được xây dựng dựa trên bạo lực và quyết tâm tồn tại bằng bạo lực hoặc hạ gục cả thế giới bằng bạo lực”. BBC và các “nhà dân chủ” cứ việc rêu rao, kêu gào đi, “dân chủ kiểu Mỹ” kinh khủng như vậy, xin thưa, Việt Nam không bao giờ thèm giống!

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *