Chữa bệnh hứa hão: Hậu quả của “Lời hứa gió bay” (bài 2)

“Lời hứa chẳng mất tiền mua/ Ta cứ hứa bừa để lợi cho ta”. Đó là quan niệm của một số người về hiện tượng hứa suông, hứa hão.

Ảnh minh họa / Trọng Hải.

Kiểu hứa này có thể có lợi cho người hứa nhưng hậu quả của nó thật khó lường.

Trước thềm Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức tại Việt Nam, một số tờ báo và trang tin đã đăng lại câu chuyện của “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương từng bị các mạnh thường quân thất hứa. Vũ Thị Hương kể: “Cứ mỗi kỳ SEA Games đến, cháu lại nhớ những ngày xưa của mình… Trước khi cháu đi thi đấu, các bác hứa nếu giành chiến thắng sẽ có thưởng. Lúc ấy cháu mừng lắm, không hẳn vì ham phần thưởng mà vì nể các bác hết lòng với cháu. Có bác sau khi chiến thắng và có giới truyền thông ở đó nhân thể bác trao thưởng… miệng trước luôn. Niềm vui chiến thắng của cháu nhân lên nhiều lần. Thế rồi, sau khi tưng bừng hết niềm vui này đến niềm vui khác, cháu cứ dài cổ đợi, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ… Rồi bao kỳ SEA Games đã đi qua mà phần thưởng của các bác vẫn không đến tay.

Cháu thừa tự trọng để không mở miệng hỏi các bác, mà nói thật cháu cũng chẳng biết hỏi ai cả vì nhiều khi chỉ nhận tin qua truyền miệng hay báo chí thôi. Cháu vẫn buồn lắm vì bị thất vọng và mất niềm tin vào những lời hứa.

Cũng kể từ dạo đó, ai hứa gì với cháu là cháu bảo thôi xin đừng hứa. Cháu sợ, thật sự sợ lời hứa từ ai đó. Thế nên bản thân cháu cũng thế, cháu không hứa gì với ai cả vì cháu hiểu cái cảm giác khi nhận được lời hứa nó sung sướng thế nào và khi bị thất hứa nó làm tim cháu đau đớn ra sao. Nên cháu hứa, không bao giờ hứa gì với bất cứ ai nữa.

SEA Games năm nay, bác, cô chú hay anh chị nào mà hứa thưởng cho các vận động viên thì hãy giữ lời”.

Chia sẻ của Vũ Thị Hương nhận được rất nhiều bình luận từ cộng đồng. Nhiều người bức xúc trước những lời hứa hão của mạnh thường quân.

Không chỉ riêng lĩnh vực thể thao mà thực tế hiện nay còn có rất nhiều lời hứa, nhất là lời hứa của cán bộ, đảng viên trở thành hứa suông, hứa hão. Đầu tuần này, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp. Trong đó, có một số kiến nghị cũng đã từng xuất hiện trong những kỳ họp trước, như: “Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách…; rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài; có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân”; “Quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai. Chỉ đạo giải quyết thấu đáo những vấn đề “tồn đọng” về đất đai do lịch sử để lại, nhất là tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống”…

Có đại biểu Quốc hội cho rằng, sở dĩ có tình trạng kiến nghị của cử tri “vắt qua” nhiều kỳ họp, nhiều nhiệm kỳ là do các cán bộ thực thi nhiệm vụ hứa mà không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Cách đây gần 20 năm, phát biểu trước Quốc hội, có đại biểu đã thẳng thắn thưa rằng: “Nhiều cán bộ của ta đã chuyển sang họ “Hứa” vì cứ hứa hão, hứa suông”. Trên diễn đàn của Quốc hội, diễn đàn của hội đồng nhân dân (HĐND), tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng ta đã nghe khá nhiều cụm từ  “hứa sẽ nhanh chóng tháo gỡ”; “đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm”; “sẽ giải quyết dứt điểm”; “kiên quyết xử lý”… nhưng có những “lời hứa gió bay”, họp xong, hứa rồi, mọi việc trong thực tế vẫn không hề thay đổi. Trên thực tế, hứa suông, hứa hão đã được một số đại biểu sử dụng một cách triệt để nhằm làm “hạ nhiệt” nghị trường và dư luận…

Hứa suông, hứa hão đã trở thành căn bệnh nan y của xã hội. Đặc biệt là trong mỗi kỳ đại hội Đảng hoặc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, chúng ta lại nghe không ít lời hứa suông, hứa hão của một số đại biểu. Họ nói rất hay, rất đúng nhưng hành động thì không như vậy. Người nói thiếu trách nhiệm với phát ngôn của chính mình. Cội nguồn của bệnh hứa suông, hứa hão chính là sự suy thoái đạo đức. Những căn bệnh có liên quan với nó là thói dối trá, thói chuộng hư danh, thói vô trách nhiệm. Người hứa suông, hứa hão là người đã đánh mất lòng tự trọng. Bệnh hứa suông, hứa hão làm giảm sút lòng tin ở mọi người, phá vỡ những mối liên kết xã hội, làm hại tinh thần cố kết, đoàn kết trong cộng đồng, làm lãng phí tài nguyên và nguồn nhân lực.

Hứa suông, hứa hão không chỉ gây hậu quả cho xã hội mà trong nhiều trường hợp đã gây thiệt hại cho chính người đưa ra lời hứa. Năm 2020, trong kỳ đại hội đảng các cấp, đã có không ít cán bộ vì hứa hão, hứa suông mà trượt cấp ủy. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vào tháng 5 năm ngoái, nhiều cán bộ hứa hão, hứa suông đã không trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

(còn nữa)

ĐỖ PHÚ THỌ/QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *