Cảnh giác với thủ đoạn rao bán tiền giả online
Hiện nay, trên một số Fanpage, nhóm Facebook của Phú Yên xuất hiện nhiều tài khoản đăng tải các bài viết có nội dung mua bán tiền giả “Tiền giả uy tín, tiền giả giống thật 99%, bao xài thả ga mắt thường không phân biệt được, tỉ lệ 1 đổi 15, giao hàng ngay trong ngày, ai cần kết bạn Zalo Sđt …”. Nhưng trên thực tế, phần lớn các tài khoản trên là những tài khoản ảo, các đối tượng này không có tiền giả mà chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng thường khẳng định với người mua là tiền giả xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, chỉ máy soi hiện đại mới phát hiện được. Tuy nhiên, khi đề nghị gặp trực tiếp để bàn về giao dịch thì đối tượng không đồng ý và yêu cầu giao dịch bằng thẻ game, thẻ cào điện thoại, sau đó tiền giả sẽ được chuyển tận tay người mua bằng đường bưu điện.
Thủ đoạn lừa lấy mã số thẻ cào như sau: Đối tượng yêu cầu khách hàng click vào đường link dẫn đến 1 trang web có nội dung “TRA CỨU TRẠNG THÁI THẺ NẠP”và làm theo hướng dẫn để khẳng định thẻ game trên là chưa sử dụng. Ở bước này, khách hàng đã vô tình cung cấp cho đối tượng thông tin quan trọng nhất của thẻ game là mã số thẻ, ngay sau đó đối tượng nhanh chóng kích hoạt thẻ, cắt đứt liên lạc với người mua.
Đây là hình thức lừa đảo tinh vi, sử dụng công nghệ cao, đánh trực tiếp vào lòng tham của người mua mà chỉ cần một phút không tỉnh táo, hám lợi sẽ “sập bẫy” mà các đối tượng đã giăng ra, gây tổn thất tài sản của bản thân.
Hành vi mua bán tiền giả sẽ bị xử lý như thế nào: Trường hợp nếu hành vi rao bán tiền giả chỉ để lừa đảo người khác để lấy thẻ cào thì đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017. Còn nếu hành vi mua bán tiền giả diễn ra thực tế thì cả người bán, người mua đều phạm tội tàng trữ, làm, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017, kể cả trong trường hợp giao dịch không thành công.
Để giúp người dân nhận biết được đặc điểm tiền giả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hướng dẫn người dân một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền giả tại website của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể: Tiền giả thường được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị giãn hoặc rách. Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị, tiền giả có hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau hoặc vuốt nhẹ mặt trước, tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật. Còn khi chao nghiêng, tờ tiền giả nhưng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật, đồng thời không có yếu tố hình ẩn…
Vì vậy, mỗi người khi sử dụng Internet, mạng xã hội hãy tỉnh táo, không vì hám lợi mà mắc mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để rồi “tiền mất tật mang”, đồng thời không tiếp tay cho bọn mua bán tiền giả trên mạng mà vi phạm pháp luật.
Người lao động