Chất lượng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên: Nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một công cuộc lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều biện pháp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên phải được coi là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng và được đặt lên hàng đầu, nhất là trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Những năm qua, đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nội dung về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức trong các cơ quan Trung ương nói riêng.
Cấp ủy các cấp đã có nhận thức cao hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Nhiều cấp ủy đã chủ động phối hợp với ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thành nền nếp các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp đảng, đảng viên mới theo Quy định số 54-QĐ/TW. Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở tiếp tục được chú trọng. Việc tổ chức các lớp cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được tăng cường theo đúng Quy định số 164-QĐ/TW. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ quan Trung ương nói chung, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Đảng ủy Khối nói riêng được nâng lên rõ rệt. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được bảo đảm theo đúng yêu cầu của Trung ương. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; việc giảng dạy đã chú trọng vào chiều sâu, lấy học viên là trung tâm để đổi mới, tăng cường chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; học tập lý luận đã gắn liền với thực tiễn thông qua các hoạt động ngoại khóa và làm việc thực tế ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp…
Việc cử cán bộ, đảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước gắn với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, quy hoạch và bố trí cán bộ. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cũng đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò và tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân, từ đó, đã chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu, để nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác. Học tập lý luận chính trị từng bước trở thành nhu cầu tự thân của cán bộ, đảng viên để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối còn một số hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao và đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình hiện nay. Thể hiện trên một số mặt sau:
Một là, một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Việc cập nhật chủ trương, văn bản mới về công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị còn chậm và chưa đầy đủ.
Hai là, việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định về phân cấp quản lý cán bộ còn khó khăn, lúng túng do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng đối với cấp ủy có đặc thù như ở Đảng bộ Khối, dẫn đến sự lúng túng trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là tổ chức cập nhật kiến thức cho đối tượng cán bộ thuộc diện “ban thường vụ đảng ủy quản lý”. Trong một số cơ quan, đơn vị, công tác quy hoạch cấp ủy chưa gắn với quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý và đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên sau quy hoạch.
Ba là, công tác bồi dưỡng bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở một số đảng bộ chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản, đúng quy định.
Bốn là, một bộ phận giảng viên, báo cáo viên chưa thực sự chú trọng vào việc quán triệt vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong các chuyên đề, bài giảng, chưa tăng tính tương tác, thảo luận về nội dung này đối với người học…
Để góp phần vào việc đấu tranh từ sớm, từ xa, công tác bồi dưỡng lí luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên ở các cơ quan Trung ương là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ Khối là cần nghiên cứu và cụ thể hóa một số nội dung sau:
Thứ nhất, Đảng ủy Khối và các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ cần ban hành chủ trương và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Trong đó, chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối cần phải thường xuyên nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên học tập lý luận chính trị; cập nhật kiến thức mới với nội dung phù hợp với vị trí đảm nhận để đáp ứng được tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đối tượng kết nạp đảng, đảng viên mới phải được học tập lý luận chính trị theo yêu cầu chung, đồng thời, phải được trau dồi thêm những yêu cầu cao hơn, nhất là về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, của đảng bộ, cơ quan, đơn vị mình.
Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp đóng vai trò quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị Trung ương.
Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối có mặt bằng về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao hơn so với mặt bằng chung của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, do vậy, nội dung, phương thức bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đối tượng là cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương càng cần thiết phải được đổi mới sao cho phù hợp với đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng, hạn chế việc trùng lặp nội dung mà không có mở rộng, phát triển thêm gây nhàm chán cho người học, lãng phí thời gian của cán bộ, đảng viên dẫn đến việc học tập chống đối, hình thức.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.
Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được khái quát hoá và mang tính trừu tượng cao, do vậy đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải là những người thực sự am hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin, có hiểu biết rộng về các lĩnh vực của đời sống xã hội, có kỹ năng, phương pháp sư phạm để giảng dạy lý luận thực sự dễ hiểu, gần gũi, thuyết phục người nghe, tránh sự nhàm chán và một chiều trong giảng dạy lý luận chính.
Ngoài ra, giảng viên, báo cáo viên làm công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương phải là những người thực sự nhạy bén trong việc nhận định những quan điểm, lý luận có xu hướng xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để cung cấp cho người học những luận cứ thuyết phục phản bác lại các quan điểm sai lầm đó. Trong mỗi chương trình bồi dưỡng, báo cáo viên, giảng viên cần chú trọng đưa các chuyên đề phù hợp về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vào chương trình bồi dưỡng để học viên thảo luận làm rõ vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, giảng viên lý luận chính trị nhất là giảng viên các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới trong Khối phải là những người có khả năng dẫn dắt, bồi đắp tình yêu, niềm tin với Đảng cho đội ngũ cán bộ trẻ.
Yêu cầu đặt ra để chuẩn hoá đội ngũ giảng viên là ngoài các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp sự phạm cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, cần thường xuyên bồi dưỡngnâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giảng viên trong đấu tranh bảo vệchủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểmcủa Đảng.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới.
Việc tụt hậu về công nghệ cũng đồng nghĩa với việc một mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bị bỏ ngỏ. Do đó, đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác bồi dưỡng lý luận chính trị vừa nhằm mục đích nâng cao hiệu quả dạy và học, tạo hứng thú trong quá trình học tập của học viên, đó cũng chính là quá trình gắn lý luận với thực tiễn, gắn những lý luận của bài giảng với sự trực quan, sinh động của internet và mạng xã hội, qua đó góp phần nâng cao trình độ khai thác, sử dụng công nghệ thông tin của giảng viên, báo cáo viên và cán bộ, đảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ năm, phát huy dân chủ, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên chỉ thực hiện có hiệu quả nếu người học tự ý thức được tầm quan trọng của việc học tập, chủ động và sáng tạo trong quá trình tiếp thu tri thức. Khắc phục kiểu học “thầy đọc, trò chép” và bệnh “lười học, ngại học lý luận chính trị”. Cán bộ, đảng viên trong Khối các cơ quan Trung ương phải là người nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học, xem đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của bản thân; phải thực sự là tấm gương về việc tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu; học ở mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các cấp để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Trung ương về bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí trong dạy và học lý luận chính trị. Có biện pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng của người học để làm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của cơ quan, đơn vị.
Để những nội dung nêu trên thực sự hiệu quả và đi vào thực tiễn, các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương cần nêu cao hơn nữa ý thức trách nhiệm; nêu cao tinh thần chủ động, tự học tập, tự trang bị kiến thức để đủ năng lực sẵn sàng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ có như vậy thì việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương mới có kết quả và mang lại giá trị trong thực tế./.
ThS. PHẠM ANH THIỆN/TG
Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương