CHỈ CÓ KẺ VÔ TRI MỚI PHỦ NHẬN THÀNH TỰU GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM

Gần đây, trên các trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong hải ngoại đã đồng loạt phát tán bài viết “Tị nạn giáo dục” với nội dung cho rằng: “năng lực giáo dục trong nước đã tụt hậu, lạc hướng”, “du học nhưng thực ra là tị nạn giáo dục”, “sự thất bại của chính sách giáo dục trong hệ thống “độc quyền” dưới sự lãnh đạo tuyệt đối”… Đây rõ rằng là những luận điệu hoàn toàn bịa đặt nhằm phủ nhận thành tựu của giáo dục, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với giáo dục.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế khách quan, không một quốc gia hay bất cứ lĩnh vực nào có thể đứng ngoài cuộc và giáo dục cũng vậy. Hội nhập giáo dục là xu thế tất yếu khách quan, việc học sinh, sinh viên của Việt Nam đi du học nước ngoài là điều bình thường. Du học là để học tập kiến thức, kỹ thuật, tiếp thu những tinh hoa văn minh của nhân loại để xây dựng đất nước. Điều này không phải do chất lượng giáo dục của Việt Nam thấp kém, tụt hậu. Thực tế cho thấy, đi du học ở nước ngoài không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả những nước phát triển, có các trường đại học thuộc diện tốt nhất khu vực và nằm trong top các trường đại học hàng đầu trên thế giới vẫn có học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài, thậm chí với số lượng còn lớn hơn Việt Nam (trong năm học 2021 – 2022, đi du học tại Mỹ: Việt Nam có 20.713, Hàn Quốc là 40.755, Canada 27.013, Nhật Bản 13.949…). Mặt khác, không chỉ có học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, mà học sinh, sinh viên các nước khác cũng đến Việt Nam du học. Hằng năm có khoảng 4.000 đến 6.000 học sinh, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, trong đó có cả những người đến từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Mặc dù nền giáo dục Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng không vì thế mà phủ nhận sạch trơn những cố gắng, nỗ lực của cả một nền giáo dục. Nếu có cái nhìn khách quan thì có thể thấy rằng, nền giáo dục Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không chỉ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân vui mừng phấn khởi, mà còn được các cá nhân, tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao như: Giáo sư, tiến sĩ Paul Glewwe, Trường Đại học Minesota (Hoa Kỳ) nhận xét: “Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bước tiến, luôn thuộc nhóm những nước có kết quả tốt”; Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá: “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”;  Giáo sư, tiến sĩ Joan Dejaeghere Trường Đại học Minesota (Hoa Kỳ) đánh giá “Tôi nhận thấy một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam là chương trình mới thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực… Rõ ràng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.

Từ thực tế sinh động trên của giáo dục Việt Nam và thế giới, cùng với sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của các cá nhân, tổ chức quốc tế là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu xuyên tạc về nền giáo dục Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *