ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI DÂN

Ngày 25/3/2024, trên trang mạng Việt Nam Thời báo đã tán phát bài viết “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất muốn được trở lại như xưa” với nội dung xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam; phủ nhận những kết quả tích cực trong việc thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, các công ước quốc tế về nhân quyền, tự do tín ngưỡng mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết; đồng thời, kêu gọi các tổ chức quốc tế “can thiệp” vào tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Rõ ràng đây là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta.

Cần khẳng định rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được pháp luật bảo hộ và luôn được bảo đảm thực thi trong thực tế. Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, như Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Điều đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới ban hành luật riêng về tự do tôn giáo và đạo luật này, Việt Nam cơ bản đã xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp về tôn giáo để làm công cụ pháp lý cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.

Trong những năm qua, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được thực hiện trong tốt. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động ở khắp các vùng, miền, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp xã hội, nhất là vào dịp đầu năm, lễ hội truyền thống… Tín đồ các tôn giáo đều thực hiện sinh hoạt tôn giáo thường xuyên trong gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của mỗi tôn giáo. Các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra với quy mô lớn, thời gian kéo dài, thu hút một số lượng rất lớn, không chỉ tín đồ, mà cả những người không theo tôn giáo tham dự. Đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Như vậy, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo như các thế lực xấu vu cáo, bịa đặt. Hơn nữa, cần phải thấy rằng, không thể có tự do tôn giáo tuyệt đối. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật. Các tôn giáo cũng phải chịu sự quản lý của Nhà nước, phải chấp hành quy định của pháp luật và điều này hoàn toàn phù hợp với khoản 3, Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Việc ban hành các văn bản pháp luật để quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là nhu cầu tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, những luận điệu cho rằng những chính sách tôn giáo của Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế là vô căn cứ. Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và luôn nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.

(Quốc Sách)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *