Chỉ thấy cây mà không thấy rừng

Facebook Việt Tân với hai bài viết đăng cùng giờ vào ngày 13/02/2022: (1). “Tột cùng của sự ngu xuẩn” để “cho những ai vẫn nghĩ rằng Việt Nam thực sự có độc lập, tự do, công bằng, dân chủ, văn minh…” được dẫn nguồn là: Từ Đức Minh. Và (2). “Tiền đồ dân Việt đen như mực” của Phạm Minh Vũ. Bài viết lấy sự việc một số công nhân đình công ở Diễn Châu, Nghệ An đòi tăng lương trong mấy ngày qua, Phạm Minh Vũ và Việt Tân cho đó là tình trạng chung của đất nước Việt Nam. Nhìn chung cả hai bài viết đều phê phán thành tựu phát triển kinh tế –  xã hội của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, từ sự việc đơn lẻ họ họ đã quy kết thành tình trạng chung của đất nước, với cái nhìn phiến diện. Việc làm đó chẳng khác nào chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Để thấy rõ sự phiến diện, thiếu khách quan của họ, xin tổng quan một số đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong những năm gần đây của bạn bè quốc tế.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Pallab Sengupta, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Ấn Độ đã ca ngợi vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; đồng thời khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện thực sự của toàn thể dân tộc Việt Nam.  Ông nêu rõ mọi thành tựu của Việt Nam ngày nay đều là kết quả của những đóng góp to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hoạch định, chỉ đạo và áp dụng những chiến lược phù hợp cho sự phát triển toàn diện đất nước, khắc phục tình trạng đói nghèo, mù chữ, kém phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam ngày nay là sự phản chiếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và những đóng góp của đảng này. Ông nhấn mạnh: Ngày nay, Việt Nam là một trong những thị trường và trung tâm sản xuất quan trọng nhất mở cửa với toàn bộ thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đương với tổng giá trị GDP của đất nước. Trong thời kỳ quá độ, Việt Nam tập trung các nỗ lực để đảm bảo công bằng kinh tế và xã hội cũng như củng cố nền kinh tế quốc dân, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp xóa đói giảm nghèo và phúc lợi xã hội trong y tế và giáo dục. Công cuộc Đổi mới đã mang lại thành công toàn diện cho Việt Nam.

Gần đây, trong bài viết có tiêu đề “Nền kinh tế Việt Nam có tiếp tục mạnh mẽ?” đăng trên trang thông tin chuyên phân tích về tài chính Intheblack của Australia, tác giả bài viết, nhà báo Cameron Cooper nhận định, với nguồn nhân lực dồi dào và nền tảng sản xuất vững chắc được phát triển qua 2 thập kỷ, Việt Nam đang sở hữu nhiều điểm thuận lợi để đối phó với những thách thức hiện nay. Viện Lowy, một tổ chức tư vấn đầu tư tài chính có trụ sở tại Sydney, đã đưa ra bảng xếp hạng 100 quốc gia phản ứng hiệu quả đối với đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau New Zealand. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% vào năm 2020, vượt qua cả Trung Quốc, nhờ nền tảng sản xuất đang phát triển và nhu cầu trong nước gia tăng mạnh mẽ. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam vượt trội hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, báo chí truyền thông quốc tế đã đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam:

Global Times ca ngợi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành hình mẫu của thế giới về phòng chống đại dịch và là điểm sáng của phát triển kinh tế khu vực châu Á với GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng 2,91%, trong khi nhiều nền kinh tế đạt mức tăng trưởng âm.

Báo điện tử Times Kuwait đăng bài viết về việc Việt Nam tổ chức Đại hội XIII của Đảng Cộng sản đã nhận định: trong nhiều năm qua, Việt Nam được biết đến là một quốc gia an toàn và chỉ số về an ninh con người đang được cải thiện. Với sự ổn định về chính trị, người dân Việt Nam hiện nay tin tưởng vào hệ thống chính trị và các cấp lãnh đạo của Đảng, do đó các quyết sách quan trọng của Đảng thường được người dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ. Đồng thời nhấn mạnh về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã nằm trong nhóm 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Việt Nam cũng được coi là một “trung tâm sản xuất” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tờ PathetLao (Đất nước Lào) số ra ngày 28/01/2021 đã trang trọng đăng trên trang nhất bài viết có tiêu đề: “Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Qua 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.

Tờ South China Morning Post (SCMP) có trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc viết rằng: Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực mà ngay cả virus Corona cũng không thể ngăn cản.

Mới đây, tờ Business Times (Singapore) trong bài viết “Tiếng gầm của một con hổ mới châu Á – Roar of a new Asian tiger”, nói về Việt Nam. Bài báo viết: “Từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nền kinh tế của quốc gia này hiện đang phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á”. Vì vậy, những chiếc xe đạp dần được thay thế bởi những chiếc ô tô hào nhoáng, từ những ngôi nhà đơn sơ đến những căn hộ sang trọng, hạ tầng của Việt Nam đã trải qua quá trình thay đổi ngoạn mục trong 30 năm qua. Nhiều công ty Singapore, trong đó có CapitaLand và Keppel, đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, để nắm bắt được những cơ hội tại đây.

Theo báo cáo của U.S. News và World Report, Việt Nam cũng được đánh giá là đứng thứ 25 trong danh sách các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới; đứng thứ 10 châu Á và thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore, có thứ hạng cao hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Theo U.S. News và World Report, tuy ảnh hưởng về quy mô kinh tế của Việt Nam chưa ở mức cao nhưng lại có thế mạnh về xuất khẩu.

Tổng quan một số nhận định, đánh giá của bạn bè quốc tế về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội nước ta thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bác bỏ cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan của Việt Tân về thực trạng của đất nước. Họ đúng là chỉ thấy cây mà không thấy rừng./.

(HSV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *