Chiêu trò chẻ chữ

Sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo, đưa ra thông báo về Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia để tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026. Buổi họp báo đã thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước và dư luận báo chí trong ngoài nước. Từ sự kiện này, có người vội vàng thể hiện quan điểm cá nhân, nhìn nhận sai lệch về kết quả hoạt động của Quốc hội và cách thức tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội.

Trong không khí dân chủ, việc góp ý của mỗi công dân, kể cả ở trong và ngoài nước cho hoạt động của Quốc hội và tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội đều rất đáng hoan nghênh, trân trọng. Song nếu ai đó, mượn danh nghĩa việc góp ý để tuyên truyền cho quan điểm cá nhân cực đoan thì khó chấp nhận được. Có người tung lên mạng xã hội bài viết: Làm thế nào để Quốc hội là Của dân chứ không phải Gần dân. Trong bài viết, họ đã dùng chiêu bài chẻ chữ, bắt bẻ chữ Gần và chữ Của, rằng có vị lãnh đạo Quốc hội nói đưa Quốc hội gần dân hơn. Điều này đồng nghĩa với Quốc hội chưa phải Của dân. Bởi theo họ, Quốc hội hiện nay chỉ giữ vai trò biểu quyết thông các các quyết định của BCH TƯ Đảng ở một chiều chấp thuận.

Cần phải nói rõ rằng, chiêu bài chẻ chữ, bắt bẻ chữ Gần và chữ Của khi nói về hoạt động và tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội là một quan điểm cực đoan. Mục đích của họ là xuyên tạc bản chất và công kích mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Họ nói rằng, cách thức bầu cử Quốc hội hiện nay là Đảng chọn, dân bầu, Mặt trận giới thiệu mà Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức do Đảng điều khiển, thông qua vậy còn gì là tự do, còn gì là trực tiếp. Do đó, Quốc hội chưa phải Của dân.

Sự thực là, mỗi kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội và gắn cùng với đó là bầu Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhân dân cả nước luôn coi đây là cuộc sinh hoạt chính trị cực kỳ quan trọng của đất nước. Mọi tổ chức chính trị, xã hội, mọi công dân đều tích cực tham gia bầu cử với trách nhiệm chính trị cao của những người làm chủ nước nhà, qua lá phiếu để lựa chọn Đại biểu cho mình, gửi gắm niềm tin đối với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Bất kỳ ai có ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân đều thấy rõ sự thật là trong những năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn đời sống chính trị ở nước ta những năm qua cho thấy, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.

Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý để bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện trình Đại hội Đảng. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương trên cả nước trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội của các đoàn Đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đã bầy tỏ sự hài lòng với hoạt động của Quốc hội, vui mừng trước những thành tựu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Không khí dân chủ, đổi mới. đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Có được không khí dân chủ, đồng thuận xã hội là do Đảng, Nhà nước đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến và giám sát việc thực hiện. Đó là sự thật  được nhân dân ghi nhận, tin tưởng và không một thế lực nào, dù dưới danh nghĩa gì cũng không thể phủ nhận được.

(Nhanvanviet)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.