Đừng “vơ đũa cả nắm”
Dường như là một thói quen, một cách làm, một hành vi xấu thường xảy ra trong đời sống xã hội. Ấy là, càng đến gần những ngày đại hội Đảng, các thế lực thù địch càng tập trung dùng thủ đoạn tung tin, xuyên tạc, nói xấu chủ trương, đường lối, chính sách và các quyết định của Đảng, Nhà nước. Gần đây, khi các cơ quan chức năng ta quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can một số người nguyên là cán bộ cao cấp trong Đảng, các thế lực thù địch lại lấy đó làm cớ để tung tin, xuyên tạc, “vơ đũa cả nắm”, cho rằng chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng đều là những cá nhân như thế.
Trong lịch sử loài người, từ khi có nhà nước là đã có tội phạm. Tội phạm hình sự dù ở bất cứ nhà nước nào cũng có. Cũng như thế, trong bất cứ một tổ chức chính trị nào cũng có người tốt, kẻ xấu, có người trung kiên, có kẻ cơ hội. Sự khác nhau có chăng chỉ ở chỗ, nhà nước ấy, tổ chức chính trị ấy xử lý những vấn đề đó như thế nào. Những cá nhân vi phạm pháp luật có chịu sự chế tài của pháp luật hay không, hay có sự “đồng lõa” của pháp luật. Sự nhìn nhận, đánh giá về các cá nhân đó trong tổ chức chính trị như thế nào và xử lý ra sao.
Trong đời sống xã hội, ai cũng được nghe, được biết những sự việc như vậy. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ công việc được giao, đã là con người, tất sẽ có sai lầm. “Không ai nắm tay đến tối, gối đầu đến sáng”. Ngay các nhà bác học, các nhà khoa học, trí thức của nhân loại, để có được một công trình khoa học, một phát minh, có khi chỉ là một sáng chế, cũng phải trả giá bằng rất nhiều thất bại. Sự thất bại ấy chính là bài học kinh nghiệm đưa đến thành công.
Nói như thế để thấy, không chỉ trong đời sống, trong nghiên cứu, trong tổ chức thực hiện, bất kể một vấn đề gì, việc mắc sai lầm là điều bình thường. Và cũng như thế, trong tổ chức chính trị, việc có sai lầm, tồn tại trong lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng là lẽ bình thường. Điều quyết định là, cách nhìn nhận sự việc, hướng khắc phục, sửa chữa đối với công việc, đối với mỗi cá nhân có sai phạm và xử lý các sai phạm của từng cá nhân trong tổ chức đó. Việc khắc phục, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, những tồn tại, hạn chế không ngoài mục đích làm cho tổ chức trong sạch, làm cho đội ngũ cán bộ ngày càng tốt hơn, đủ phẩm chất và năng lực để thực thi nhiệm vụ. Việc các cơ quan chức năng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một vài cán bộ có sai lầm khuyết điểm, vi phạm pháp luật để làm trong sạch nội bộ cũng là điều bình thường và là việc làm tất yếu của quá trình hoàn thiện của tổ chức theo mục tiêu, lý tưởng đã định. Đấy cũng là bài học của quá trình lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ. Nó cũng là cái giá để xây dựng, củng cố niềm tin của xã hội với tổ chức. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can nguyên là những cán bộ cấp cao, có vi phạm pháp luật cũng là cách khắc phục, sửa chữa những sai lầm trong quá trình lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm trong công tác tổ chức cán bộ. Đó cũng là cách thể hiện sự dân chủ, minh bạch, công khai, tính nghiêm minh của tổ chức trước mọi đối tượng và đời sống xã hội. Nó không chỉ hợp quy luật đào thải của tự nhiên, mà hợp với cả quy luật của xã hội.
Việc các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, phản động, lợi dụng vào những sai lầm, khuyết điểm, hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng để rêu rao, tung tin không gì khác ngoài mục đích bôi xấu bản chất của Đảng. Chúng cố tình phớt lờ tính chiến đấu, tính dân chủ, tính minh bạch và sự nghiêm minh của Đảng đối với những cá nhân có sai phạm. Và chúng cố tình “quên”, tảng lờ đi niềm tin đã, đang và được xây dựng, củng cố từ chính những việc làm này. Niềm tin từ quyết tâm xây dựng sự trong sạch trong nội bộ Đảng, để Đảng không ngừng xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Phạm Quế Nghi/Biên Phòng