Chiêu trò của những kẻ bất lương
Suy diễn chủ quan, tô vẽ, thổi phồng thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là một chiêu trò quá quen thuộc của những kẻ mang dã tâm chống phá đất nước.
Không nghĩ ra được cách thức chống phá nào “sáng tạo” hơn nên nguyenvubinh’blog đành “bổn cũ soạn lại” khi tung lên mạng xã hội bài viết: “Tham nhũng ở Việt Nam tất cả đều giống, đều như hệ thống Đăng kiểm xe cơ giới Việt Nam” với thủ đoạn xuyên tạc trắng trợn và đổ lỗi cho hệ thống để công kích chế độ nhà nước Việt Nam. Nhân vụ việc tham nhũng ở hệ thống các trạm đăng kiểm trên cả nước bị cơ quan chức năng phanh phui tên này lại lớn tiếng vu cáo và quy chụp. Mục đích của thành phần này thì rõ như ban ngày, cố tình vẽ ra một bức tranh xám xịt đầy rẫy tiêu cực trong xã hội Việt Nam, qua đó phá hoại sự đoàn kết và gây chia rẽ trong xã hội.
Trên thực tế, quá trình xử lý vụ việc tham nhũng ở đăng kiểm Việt Nam một lần nữa cho thấy quan điểm và quyết tâm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng lãng phí và việc chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Các hành vi tham nhũng giờ phát triển ngày một tinh vi, đa dạng và phức tạp, đồng thời truyền thông trên không gian mạng càng phức tạp hơn. Chẳng hạn như vụ việc ở các trạm đăng kiểm, có đối tượng dự định đưa thông tin tất cả các trạm đăng kiểm dừng hoạt động, dùng dư luận xã hội để tạo áp lực với cơ quan công an. Câu chuyện tham nhũng như vậy không bao giờ chỉ là đơn lẻ, một vài cá nhân mà thường là một nhóm những kẻ suy đồi về đạo đức, lối sống và có lòng tham. Đó là “những con sâu” thậm chí “cả một bầy sâu” nhưng không phải là tất cả như quy chụp vô lối của tên nguyenvubinh blog “Như vậy, đặc điểm quan trọng nhất trong tham nhũng ở Việt Nam, đó là tính hệ thống”. Hắn dẫn ra câu chuyện tham nhũng ở các trạm đăng kiểm, hắn cho rằng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông còn tinh vi hơn, hắn đưa ra bằng chứng về vụ tham nhũng ở lực lượng cảnh sát biển. Đáng buồn là những dẫn chứng của kẻ này đưa ra đều đúng. Nhưng việc hắn quy nạp rồi cho rằng “cả thể chế tham nhũng hoặc tham nhũng có tính hệ thống” là một suy luận cực đoan và sai hoàn toàn về logic lẫn thực tiễn cuộc sống.
Tham nhũng nảy sinh từ thể chế, từ khi có sự hình thành phân chia của quyền lực từ khi xuất hiện nhà nước. Có tham nhũng thì cũng có lực lượng chống tham nhũng đó là quy luật tất yếu mang tính quy luật triết học. Không thể đánh đồng, vơ đũa cả nắm cho rằng cả hệ thống đều tham nhũng như những luận điệu sai trái vô cùng phản động và phản khoa học của nguyenvubinh’blog. Đảng và Nhà nước ta không “phủ nhận tuyệt đối” rằng tham nhũng đã và đang tồn tại ở Việt Nam như một vấn đề nhức nhối. Nhưng chúng ta kiên quyết bài trừ “ung nhọt” này và thực tế là bằng chứng sáng tỏ nhất để bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng như trong bài viết của tên nguyenvubinh blog.
Chiêu trò sử dụng vấn đề tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam làm “công cụ” để thực hiện mưu đồ xấu với tham vọng chống phá tại Việt Nam thực ra không mới. Nhưng thực ra những kẻ “mạo danh dân chủ” không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Nó hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kể cả ở nước nghèo và nước giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hoặc kém phát triển; không phân biệt do một đảng hay do đa đảng lãnh đạo. Ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Anh, Pháp, các nước châu Phi….đều tồn tại tham nhũng như là một vấn nạn. Thậm chí ở các nước phát triển tình trạng tham nhũng còn diễn biến ở mức độ tinh vi, lọc lõi và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Dù đáng buồn nhưng phải khẳng định rằng cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì tham nhũng cũng “phát triển” mạnh mẽ.
Để phòng chống nó thì bất cứ thể chế nào ngoài quyết tâm của lực lượng cầm quyền còn phải sự hỗ trợ giúp đỡ và đồng thuận của người dân. Ở Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ, chúng ta đã tranh thủ sự tham gia của cộng đồng đông đảo người dân, từ đó công tác thực thi giám sát các chương trình dự án phòng, chống tham nhũng có kết quả tốt. Thực tế là trong những năm gần đây, tệ nạn tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Nói như thế để thấy những luận điệu của nguyenvubinh’blog cho rằng tham nhũng cho đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của chế độ xã hội chủ nghĩa, một “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do “năng lực quản lý yếu kém” của Nhà nước là hoàn toàn mang tính suy diễn một cách cực đoan với mưu đồ chống phá. Chúng ta cần hết sức cảnh giác với nhưng thông tin xuyên tạc này.
HSV