CẢNH GIÁC VÀ KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH BÁC BỎ CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM
Vừa qua, trên trang mạng Việt Nam Thời Báo đã đăng tải bài viết “Giấc mơ độc lập … chính trị” với nội dung xuyên tạc nền Tư pháp của nước ta. Chúng so sánh nền tư pháp của Việt Nam với Hoa Kỳ, rồi đưa ra nhận định hồ đồ rằng: Ở Việt Nam “Độc Đảng dẫn đến độc tôn nên tư pháp khó thể độc lập”; “Quyền lực của Bí thư Đảng đã cản trở tư pháp độc lập”;… Rõ ràng đây là các luận điệu hoàn toàn sai trái nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, lịch sử và Nhân dân ta đã lựa chọn Đảng Cộng sản là đảng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lãnh đạo Nhà nước, trong đó có lãnh đạo cơ quan thực hiện quyền tư pháp trên các mặt hoạt động như: Đảng hoạch định và đề ra đường lối, chủ trương, những định hướng lớn về cải cách tư pháp, tạo hành lang cơ sở chính trị để các cơ quan tư pháp hoạt động; Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua các tổ chức đảng do Đảng thành lập trong các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương và các đảng viên làm việc trong các cơ quan này. Đảng lãnh đạo nhưng Đảng không làm hộ, làm thay hoặc can thiệp vào công việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đặc biệt là công tác xét xử, bởi một trong những nguyên tắc cơ bản và làm nền tảng cho hoạt động xét xử của tòa án là nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây vừa là sứ mệnh lịch sử vừa là vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tư pháp Việt Nam không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Uy tín, vị thế của cơ quan tư pháp và các chức danh tư pháp ngày càng được nâng cao; nền tư pháp được xây dựng ngày càng công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của Nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ rõ: “Cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.
Như vậy, có thể thấy đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về tư pháp là hoàn toàn đúng đắn, từng bước đổi mới và phát triển. Vì vậy, chúng ta cần quán triệt, nhận thức rõ và đề cao cảnh giác trong nhận diện, vạch trần, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngăn cản, phá hoại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về nền tư pháp.
(NCG)