CHỐNG QUAN LIÊU BÀN GIẤY, XÂY DỰNG TÁC PHONG THÂM NHẬP THỰC TẾ

Có nhiều anh em cho rằng, trong công việc có những cái làm có kết quả, nhưng có những việc thì thấy mình thiếu sáng tạo, đầu óc hình như han gỉ, chẳng có ý kiến gì mới, nhiều khi cũng phải chiếu lệ mà nêu ra ý kiến cho dưới thôi! Vì sao thế? Tôi cho rằng đây là vì quan liêu, không sát thực tế.

Cái bệnh quan liêu trong số đông cán bộ chúng ta bây giờ không phải là biểu hiện ở kiểu quan cách bệ vệ này khác, nhưng quan liêu theo lối đáng thương hại quá, quan liêu nhưng siêng năng, cần cù, “quan liêu vất vả”. Những anh quan liêu đó làm cả ngày cả đêm, tận tụy quá thành một thói quan liêu mà chúng mình dễ tha thứ cho nhau, và người ngoài dễ tha thứ cho mình; vì vất vả quá, đêm cũng làm, ngày cũng làm, học không học được, thành ra cái mặt đáng thương có khi nổi lên, còn mặt đáng phản đối thì nó chìm xuống.

Vì “quan liêu vất vả” đầu óc không được thư thái, không học tập được, không tiếp xúc với quần chúng được nên đầu óc bị cùn đi. Chúng ta biết rằng bất cứ một người tài giỏi nào cũng không thể nghĩ ra được đủ mọi điều, vì sáng kiến của cá nhân là có hạn, nhưng sáng kiến của quần chúng thì vô tận. Chúng ta làm công tác chính trị, không thể ngồi trong buồng mà nghĩ ra cái mới được; cái mới phải tìm ở dưới đại đội, trong quần chúng.

Có những cái quan liêu không ai dám phản đối, vì ý định thì rất tốt nhưng nó lại không sát thực tế nên nó vẫn là quan liêu. Ví dụ: Anh đưa xuống chi bộ kế hoạch liên hệ kiểm điểm, anh đưa cao quá tức là quan liêu. Những cái đó phản đối thế nào, vì đưa cao cũng có lý lẽ của nó, cũng xuất phát từ một động cơ tốt thôi, nào là chúng ta phải củng cố Đảng, nhận rõ vai trò Đảng là quan trọng, Đảng lãnh đạo là quyết định… thì người ta thấy rằng phản đối là rất khó.

Ai cũng thấy rằng mỗi bận đi xuống dưới, mọi người cán bộ trên cũng như dưới đều thấy sáng thêm ra, thêm ý kiến mới, thêm sức mạnh mới, làm việc bớt lù mù đi, mọi người đều công nhận như thế. Nhưng ngồi bàn giấy cũng không phải là không có lý của nó; người ta ngồi bàn giấy cũng vất vả, tối tăm mặt mũi suốt cả đêm ngày thế thì còn chê trách vào đâu được? Về điểm này, tôi thấy chúng ta nói lý với nhau đã nhiều, cán bộ ta ai mà không hiểu sự cần thiết phải đi xuống dưới, tiếp xúc với quần chúng; bây giờ chỉ là vấn đề có tinh thần cách mạng dám làm, dám bỏ bàn giấy ra đi hay không? Một mối nguy cơ nghiêm trọng hiện nay đang đe dọa chúng ta là cán bộ đi lên thì nhiều, đi xuống thì rất ít.

Người cách mạng phải là người tay dám sục sạo, xông xáo vào nơi thực tế, đòi hỏi tiếp xúc với quần chúng hằng ngày. Người cán bộ cao chừng nào, càng đi sục sạo đây đó nhiều chừng ấy và như thế càng làm cho quan hệ trên-dưới rất tốt. Anh không nên sợ vắng mình thì công việc ở cơ quan sẽ đổ bể, trái lại, chính vì anh sợ đổ bể theo lối đó thì công việc lại càng đổ bể. Vì chúng ta ít đi nên những sáng tạo mới trong phong trào quần chúng chúng ta không biết, những nhân tài mới nảy nở ra chúng ta cũng không hay, những sai lầm vướng mắc chúng ta không phát hiện được kịp thời, sự lãnh đạo của chúng ta trở nên lạc hậu với thực tế…

Nhưng hiện nay, chúng ta quả là còn nhiều cán bộ lười đi. Có những người còn làm việc theo lối công chức thời xưa, “sáng vác ô đi, tối vác về”. Buổi sáng đến cơ quan, ngồi vắt chân, hút thuốc, xem báo cái đã, rồi hí hoáy viết ra một lô nào là “tăng cường” với “đẩy mạnh”, không thì lại là “quán triệt thêm một bước” với những “trên cơ sở…”, “trên cơ sở…”.

Hiện nay, các cơ quan của chúng ta còn có hiện tượng tấp nập người, đó là một hiện tượng không tốt. Nếu chợ cần đông người thì cơ quan cần vắng người, sao cho cơ quan các cấp vắng vẻ, tức là cán bộ nên có mặt ở đại đội nhiều, đó mới là điều tốt. Tất nhiên, cơ quan cũng có lúc cần phải tập trung cán bộ để tổng kết công tác xây dựng nghiệp vụ, nhưng thời giờ đó chỉ nên ít so với thời giờ đi xuống dưới, nhất là trong những lúc đang mùa huấn luyện hoặc có những cuộc vận động lớn ở bên dưới.

Như thế, chúng ta quyết tâm ra đi không phải là “ra đi không hẹn ngày về” mà ra đi để mang nhiều cái mới cho cơ quan, cho lãnh đạo và cho chính mình… Làm được như thế thì trong một thời gian nhất định, các mặt công tác của chúng ta sẽ có nhiều cái mới, không còn sợ cũ kỹ nữa.

(HSV)

(Trích bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960)

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *