Hệ lụy khôn lường từ tình trạng lười học lý luận chính trị (bài 2)
Khi đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy đối với đảng cầm quyền. Bởi thế, việc học tập, trang bị lý luận chính trị (LLCT), trau dồi Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc nghị quyết của Đảng có vai trò rất quan trọng.
Nó giúp chính cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, biết dấn thân để tìm ra giải pháp tối ưu trong công việc; có bản lĩnh vững vàng để vượt qua khó khăn, những cám dỗ vật chất trong cuộc sống.
Không có lý luận như nhắm mắt mà đi
Đảng ta là đảng lãnh đạo, cầm quyền. Từ điển tiếng Việt giải thích: “Lãnh đạo là dẫn dắt tổ chức phong trào theo đường lối cụ thể”. Hay: Lãnh đạo là một quá trình ảnh hưởng từ xã hội nhằm tối đa hóa nỗ lực của người khác để đạt được mục tiêu. Tựu trung, người lãnh đạo phải là người dẫn đường, người mở đường. Đảng ta cũng không có mục đích nào khác là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Mục đích đó cũng là bản chất, là đặc trưng của chế độ được xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng cũng được xây dựng trên nền tảng lý luận đó vận dụng vào thực tiễn của đất nước. Điều đương nhiên, nếu CB, ĐV không nắm được LLCT, không hiểu biết về nền tảng tư tưởng ấy thì họ không thể lãnh đạo được ai. Việc lười học LLCT có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, đó là đảng viên mất phương hướng, rất dễ rơi vào tình trạng thực hiện sai đường lối của Đảng; nói và viết không đúng nghị quyết của Đảng, vi phạm nguyên tắc Đảng; dễ bị kẻ thù lôi kéo, mua chuộc. Một hậu quả nữa của tình trạng “mù lý luận” đó là làm bừa, làm ẩu, bất chấp quy luật khách quan dẫn đến thất bại.
Vì không học LLCT, không hiểu nền tảng tư tưởng của Đảng nên chính đảng viên cũng không có khả năng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Trong một tập thể, nếu các đảng viên nắm chắc lý luận, hiểu nguyên lý, nguyên tắc của Đảng thì người đứng đầu rất khó có thể làm sai, khó có thể tự tung tự tác, hành động vô nguyên tắc. Hàng loạt CB, ĐV bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra các cấp xử lý kỷ luật thời gian qua đã chỉ ra nguyên nhân, đó là tình trạng thực hiện không đúng nghị quyết của tổ chức đảng, vi phạm nguyên tắc Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây thực sự là vấn đề lớn của Đảng.
Ở một khía cạnh khác, mục tiêu xuyên suốt mà các thế lực thù địch, phản động đang thực hiện là nhằm xóa bỏ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để làm điều đó, chúng không loại trừ bất kỳ thủ đoạn nào nhằm tấn công, xuyên tạc, bịa đặt hòng làm sụp đổ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng muốn làm cho hệ tư tưởng ấy trở nên giáo điều, xa lạ, không còn sức sống. Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng ấy, vũ khí của những người cộng sản chính là LLCT sắc bén. Nếu mỗi CB, ĐV, những người được xem là đầu tàu để bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng lại lười học LLCT thì làm sao có thể bảo vệ được? Không có kiến thức, không có bản lĩnh thì không thể giữ vững được trận địa tư tưởng, thành quả cách mạng, những giá trị cốt lõi của văn hóa Đảng. Dù có trung thành bao nhiêu nhưng không hiểu bản chất, không có lý luận soi đường thì cũng chỉ như một người đi trong đêm tối. Sự lầm đường lạc lối trong lãnh đạo không khác gì sự phá hoại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”; “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Cách mạng luôn vận động biến đổi không ngừng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc còn nhiều thử thách, cam go. Nếu không có lý luận, nếu lý luận không trở thành lực lượng vật chất thấm sâu trong mỗi CB, ĐV thì sự nghiệp ấy khó có thể thành công. PGS, TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, luận giải: Nền tảng tư tưởng chính là phương tiện, là ánh sáng, là trí tuệ soi đường cho Đảng lãnh đạo đưa đất nước đi lên.
Sức sống trường tồn của lý luận mác-xít
Lịch sử hơn 100 năm từ khi đất nước chìm trong bóng đêm nô lệ đến nay đã hoàn toàn đủ cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để chứng minh tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn và sự trường tồn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dưới ách đô hộ của thực dân, đế quốc, dân tộc ta khi đó không thiếu những anh hùng, không thiếu những cuộc khởi nghĩa, phong trào cách mạng với mong muốn giải phóng dân tộc. Nhưng tựu trung, tất cả đều thất bại vì không có đường lối đúng, không có lý luận dẫn đường. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh tiếp cận, thấy được ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu, có được hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa vào cách mạng Việt Nam, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Nhưng đó là một hành trình tiếp thu lý luận, đưa lý luận vào thực tiễn không hề đơn giản, không hề có sẵn. Người chiến sĩ cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã phải nếm mật nằm gai, tắm mình trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tận mắt chứng kiến những đọa đầy đau khổ nhất của kiếp cần lao, tiếp cận được với ánh sáng chân trời từ Chủ nghĩa Mác-Lênin mới đưa lại sự thành công đó. Chính Mác, Ăngghen, Lênin, những chiến sĩ cộng sản của phong trào công nhân quốc tế đã phải lăn lộn, chịu biết bao khổ cực trong phong trào công nhân, trong thảm cảnh bị đàn áp, bóc lột đến tận xương, tận tủy mới đúc rút được hệ tư tưởng lý luận có ý nghĩa vạch thời đại ấy. Nó hoàn toàn không là lý thuyết sách vở, kinh viện mà thấm đẫm hiện thực. Và luận giải như Các Mác, lý luận ấy đã biến thành lực lượng vật chất chứ không chỉ là lý luận đơn thuần. Mác đã rút ra rằng: “Lực lượng vật chất chỉ có thể đánh bại bởi lực lượng vật chất, nhưng một khi lý luận đã được thấm sâu vào quần chúng thì nó sẽ trở thành lực lượng vật chất vô địch”.
Chỉ những người không hiểu biết thấu đáo mới tìm cách đổ lỗi, cho rằng hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là do Chủ nghĩa Mác-Lênin sai lầm, là không phù hợp, rồi vin vào đó để cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Thực tế không phải như vậy. Chính điều này đã chứng minh, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản, đảng viên ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã coi thường lý luận Mác-Lênin, tiếp thu giáo điều, nửa vời, xa rời những nguyên tắc căn bản của lý luận Mác-Lênin, nhất là những nguyên tắc lịch sử-cụ thể, nguyên tắc thực tiễn và sự thiếu thích ứng với những thay đổi thường xuyên của đời sống chính trị-xã hội đã dẫn đến sự sụp đổ đau đớn đó. Những lãnh đạo, đảng viên làm băng hoại một chế độ tốt đẹp ấy sẽ luôn bị lịch sử điểm tên. Một mô hình nhà nước cụ thể không toàn vẹn do áp dụng không đúng lý luận mác-xít về nhà nước, về xây dựng chế độ, về đảng cầm quyền chứ không phải là sự sai lầm của một học thuyết khoa học, không phải sai lầm của lý luận mác-xít. Cũng chính sự kiện đó đã là lời cảnh tỉnh xương máu cho tất cả chúng ta. Những CB, ĐV hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ thành trì XHCN nếu coi thường, xa rời bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nếu vận dụng nó một cách máy móc, nếu không chịu tìm tòi, nghiên cứu, đúc rút, tổng kết và phát triển hệ lý luận ấy cho phù hợp với sự vận động không ngừng của thực tiễn thì rất dễ dẫn đến phải trả giá bằng sự thất bại. Cho đến hôm nay, các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân-yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Những CB, ĐV chân chính, những người dân đã được hưởng thành quả, điều tốt đẹp của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vẫn luôn tiếc nuối, hoài niệm về một xã hội tốt đẹp, thực sự vì con người. Họ đã cảm nhận rõ hơn ai hết những giá trị nhân văn về quyền con người, về sự đáp ứng các nhu cầu chính đáng cả vật chất, tinh thần mà chế độ XHCN mang lại. Sức sống của lý luận mác-xít vẫn đang chứng minh tính cách mạng và khoa học, tính thời đại và tương lai ở các nước XHCN đang theo hệ lý luận, tư tưởng ấy. Đó là các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Cuba… PGS, TS Trần Đình Huỳnh cho rằng, phải luôn luôn bảo vệ “đầu não” và “trái tim” của Đảng theo tư tưởng của Các Mác. “Đầu não” ở đây được hiểu chính là lý luận, là ánh sáng chỉ đường của Đảng; còn bảo vệ “trái tim” của Đảng chính là giữ cho mỗi đảng viên, mỗi người làm cách mạng luôn giữ được sự nhiệt tình, tâm huyết, giữ được động cơ vì cách mạng, nhân dân.
Nhân loại tiến bộ luôn ghi nhận đóng góp vĩ đại của Các Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh… những người đã đặt nền tảng và vận dụng nó vào trong thực tiễn cho sự ra đời của một chế độ nhà nước XHCN tiến bộ, thực sự vì con người. Ngày nay, các nhà lý luận Mác-xít vẫn được đánh giá là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người.
Năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Các Mác đứng đầu. Tháng 7-2005, với câu hỏi tương tự, trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình In Our Time trên kênh Radio 4 của Đài BBC, thính giả vẫn chọn Mác đứng đầu danh sách là nhà tư tưởng ưa thích của họ. Nhiều cuộc khảo sát, đánh giá, các hội thảo lớn giai đoạn hiện nay ở chính các nước tư bản chủ nghĩa vẫn luôn dành cho Mác sự trân trọng bởi những ảnh hưởng to lớn của ông với nhân loại. |
(còn nữa)
NGUYỄN ANH TUẤN/QĐND