CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ BMNN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Chuyển đổi số là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm tạo sự liên thông, kết nối liền mạch các dữ liệu và giúp khai thác dữ liệu dễ dàng, có tính thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi quốc gia và từng địa phương. Tại Việt Nam, ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QÐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; đó là cơ sở quan trọng để Việt Nam sẽ trở thành “quốc gia số, ổn định và thịnh vượng…” và Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, gắn liền với chuyển đổi số là việc bảo mật dữ liệu quốc gia trong kỷ nguyên số hiện nay đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Dữ liệu có vai trò quan trọng đối với các quốc gia cũng như mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hệ thống cơ sở dữ liệu của mỗi quốc gia được tạo lập, lưu trữ và xử lý sẽ truyền tải nhiều thông tin đến người sử dụng, trong đó bao gồm cả những thông tin quan trọng quyết định đến sự an toàn, ổn định và phát triển vững mạnh của một quốc gia, như hệ thống được xác định là bí mật nhà nước cần phải bảo vệ: Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân, hệ thống định danh và xác thực điện tử,… Thực tế cho thấy tình trạng để lộ bí mật nhà nước gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chưa kể việc lộ bí mật nhà nước qua mạng internet đang là một trong các hình thức bị các đối tượng phản động, thù địch triệt để lợi dụng nhằm chống phá đất nước, chế độ.

Theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Việc bảo vệ bí mật nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Luật quy định bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo thống kê của Bộ Công an tính trong 06 tháng đầu năm 2023, tình trạng lộ, mất BMNN qua không gian mạng tiếp tục diễn ra đáng báo động, phát hiện 26/40 vụ (chiếm 65%); hình thức lộ, mất chủ yếu diễn ra dưới các dạng như bị đăng tải trên website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức (19 vụ); bị tán phát trên các trang mạng xã hội, diễn đàn mua bán tài liệu (07 vụ).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lộ, mất bí mật nhà nước, về nguyên nhân khách quan: Các thế lực thù địch, phần tử xấu đang lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sử dụng các phần mềm, thiết bị thông minh để tấn công, thu thập, đánh cắp bí mật nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp; hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo vệ bí mật nhà nước được lưu trữ trong hệ thống máy tính tại một số cơ quan, đơn vị còn lạc hậu, chậm cập nhật, chưa đủ mạnh để chống đỡ được các đợt tấn công mạng, gián điệp mạng của các nhóm tin tặc, phản động. Nguyên nhân chủ quan của việc để lộ, mất bí mật nhà nước là do nhiều cơ quan, đơn vị chưa quán triệt, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; chưa có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về công tác bảo mật cũng như mất cảnh giác, buông lỏng trong hoạt động lưu trữ, kiểm duyệt và sử dụng tài liệu mật, đặc biệt là tình trạng một số cán bộ thi hành công vụ, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả sự cẩu thả, vô ý đã đăng tải, truyền đưa tài liệu, văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước lên không gian mạng (website, cổng thông tin điện tử, hộp thư điện tử công vụ, mạng xã hội…).

Từ thực trạng về tình hình lộ bí mật nhà nước, nhất là việc để lộ bí mật nhà nước trên mạng internet rất đáng báo động hiện nay đặt ra yêu cầu đối với các chủ thể trong việc nêu cao ý thức, trách nhiệm và chủ động phòng ngừa và có những biện pháp nhằm chống việc lộ bí mật nhà nước. Mỗi cán bộ trong các cơ quan, ban, ngành cần thường xuyên nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng, nhất là những thông tin chưa được công bố; đồng thời cần gắn trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan và đào tạo kỹ năng cho cán bộ sử dụng công nghệ với yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp về khoa học công nghệ để chống lộ bí mật trong chuyển đổi số.

AN AN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *