CỔ SÚY MÊ TÍN DỊ ĐOAN SẼ BỊ XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội, nhóm với số lượng hàng trăm nghìn thành viên tham gia liên quan đến hoạt động rao bán, trao đổi “kinh nghiệm” liên quan đến bùa phép, “ngải đen”, được giới thiệu có nguồn gốc từ Thái Lan, Campuchia, Khmer…

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, các thành viên đăng quảng cáo một số “bùa phép” có các tên rất rùng rợn như “Namanprai Mẹ quỷ máu”, “Dầu xác cổ”, “Dầu bôi hình”… mà nguyên liệu chế tạo các loại “bùa” này được giới thiệu là “dầu mỡ được lấy từ người chết”, “dầu máu”, “xương, tóc, máu của cô gái đã chết uất ức vì bị giết hại”, “vải chuyên bó xác người chết”, “dây dùng trong tang lễ”… Bên cạnh một số người dân vì mê tín di đoan đã tham gia còn có một số người nổi tiếng, giới trẻ công khai trên mạng xã hội việc sử dụng bùa ngải, dựa vào các hoạt động mê tín dị đoan để giải quyết một số vấn đề trong học tập, kinh doanh, cuộc sống… gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Theo các nhà khoa học, cái gọi là bùa mê có thể do các vị pháp sư đã biết và kết hợp một số loại thảo mộc có tác dụng gây mê tạm thời lên thần kinh khiến người bị “bỏ bùa” rơi vào trạng thái mơ hồ, thiếu kiểm soát hoặc dùng độc dược, hóa chất, năng lượng phóng xạ nhưng người bị hại lại tin bị trúng bùa ngải. Còn lại phần lớn là các đối tượng giả danh, lợi dụng sự u mê, thiếu hiểu biết của người dân để hành nghề “bùa chú” lừa đảo, thu lợi bất chính.

Người hoạt động mê tín dị đoan tùy tính chất mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự. Cụ thể theo điểm đ Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, quy định phạt tiền từ 15.000.000đ đến 20.000.000đ đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh, đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, cổ súy các hủ tục mê tín dị đoan, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang  dư luận trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chỉnh phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử, quy định mức xử phạt từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Ngoài ra, tại Điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”, theo đó người hoạt động mê tín dị đoan có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu làm chết người hoặc thu lợi bất chính 200.000.000đ trở lên sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.

Là một người dân, hay những người nổi tiếng, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước cũng cần phải tìm hiểu và chấp hành đúng các quy định pháp luật. Không nên u mê tin vào “bùa ngải” để bị tiền mất tật mang, vô tình cổ súy cho các hoạt động mê tín dị đoan truyền bá trong cộng đồng, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

PHẠM TOÀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *