CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ VẪN ĐANG ĐƯỢC THỰC HIỆN RẤT MẠNH MẼ
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối hộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bên cạnh phần lớn dư luận bày tỏ sự phẫn nộ đối với cá nhân và những “nhóm lợi ích” của những kẻ vô cảm, nhẫn tâm trục lợi trên sự đau khổ, khốn cùng của đồng bào và đất nước mình thì vẫn có không ít những kẻ “tát nước theo mưa”, lợi dụng sự việc này để công kích chế độ, kích động nhân dân. Trương Huy San là một kẻ như thế. Không bỏ lỡ “dịp may hiếm có” này, Trương Huy San đã dùng xảo thuật nguỵ biện để đánh tráo rồi đổ vấy rằng “trong lịch sử loài người hiếm có một nhà nước nào mà lại đối xử với công dân của mình như thế”, “Tham nhũng đã trở thành một thứ văn hóa đang chế ngự và lộng hành đất nước”…
Cần xác định cho rõ, việc giải cứu các công dân ở nước ngoài trở về nước giữa cơn nguy khốn thiên tai, dịch bệnh… là chính sách hết sức nhân văn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” – tinh thần này là phương châm hành động để các cấp, ngành thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện để bảo vệ tính mạng nhân dân, không để ai bị thiệt thòi trong mọi hoàn cảnh. Để thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Việc này thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân. Chủ trương kịp thời này đã được cộng đồng quốc tế và đồng bào trong và ngoài nước đánh giá cao và nhiệt liệt ủng hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã xảy ra sự chồng chéo và không rõ ràng về thẩm quyền, khiến một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế “xin cho” buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn” và đưa hối lộ. Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, khi họ lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, vì mục đích lợi nhuận và vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Đành rằng những kẻ phạm tội trong vụ án này phần lớn đều là kẻ có chức có quyền nhưng đó hoàn toàn không phải là do chế độ mà chỉ là “lợi ích nhóm”; về góc độ Nhà nước thì đó là yếu kém, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý. Bất chấp liêm sỉ, danh dự, tình nghĩa đồng bào, những kẻ có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã cố tình làm trái, cậy quyền, cậy thế, tham lam, đặt lợi ích cá nhân lên trên để ra sức trục lợi, móc túi người dân trong cơn khốn đốn để làm giàu cho cá nhân. Chính những “con sâu” này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài bởi các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn. Nó không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các “nhóm lợi ích”; không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân… Vụ án “chuyến bay giải cứu” là minh chứng. Nhân dân tin tưởng, phiên toà sẽ được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội để làm gương. Qua đó, cho thấy công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ đang được thực hiện rất mạnh mẽ theo đúng tinh thần: Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy!
H.X.