XUYÊN TẠC, GÂY CHIA RẼ ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM: THỦ ĐOẠN CỰC KỲ NGUY HIỂM!

Thời gian qua, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện các âm mưu, thủ đoạn hòng gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam. Trong đó, một trong những thủ đoạn cũ nhưng cực kỳ nguy hiểm mà chúng triệt để sử dụng đó là xuyên tạc, gây chia rẽ đồng bào Công giáo với dân tộc Việt Nam. Theo đó, lợi dụng sự đối lập về thế giới quan của tôn giáo và thế giới quan duy vật biện chứng trong nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng tuyên truyền trong đồng bào Công giáo và một bộ phận người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ về chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước tạo tâm lý bất mãn khi cho rằng chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo, từ đó tạo ra khoảng cách, sự đối kháng giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cùng với đó, chúng cũng triệt để lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, triển khai các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở để kích động một bộ phận giáo dân Công giáo gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. Thực tế cho thấy, một số người có chức sắc trong Công giáo còn trắng trợn xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, kích động giáo dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Những việc làm này đã làm trái lại giáo lý, đi ngược lại nguyện vọng, ý chí của đại đa số chức sắc, tín đồ và bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, cổ súy cho cái gọi là tự do tôn giáo một cách vô thiên vô pháp, đòi tôn giáo đứng ngoài pháp luật, độc lập với Nhà nước…

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Điều 24 Hiến pháp ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

Kể từ khi được truyền bá vào Việt Nam, có thể nói, Công giáo luôn đồng hành, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển của dân tộc; mối đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và Công giáo ngày càng khăng khít. Song cũng phải thắng thắn nhìn lại, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, một bộ phận nhỏ tín đồ và chức sắc Công giáo bị lợi dụng, làm tay sai, công cụ chống phá cách mạng, cản trở cuộc kháng chiến chống xâm lược, thống nhất đất nước, làm ảnh hưởng đến quan hệ Nhà nước và Giáo hội. Tuy nhiên, năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, ra Thư Chung lịch sử với đường hướng hoạt động “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người Công giáo với đất nước: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là đòi hỏi của Phúc âm. Thư chung năm 1980 cũng định ra nhiệm vụ xây dựng một nếp sống đạo mới và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc. Những kẻ chuyên lợi dụng cấu kết với bè lũ phản động, thực hiện các hành vi trái ý Chúa, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xúi giục, kích động những giáo dân nhẹ dạ, cả tin thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như Lê Ngọc Thanh, Đặng Hữu Nam, Lê Đình Lượng, Nguyễn Đình Thục… chỉ là con số rất nhỏ trong số gần 50 Giám mục, 6000 linh mục của khoảng 200 dòng tu, tu hội, tu đoàn với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ và trên 7 triệu tín đồ Công giáo, hoàn toàn không phải và không thể đại diện cho đại đa số chức sắc, tín đồ Công giáo ở Việt Nam.

Vấn đề lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam dù không mới, nhưng vẫn luôn là thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là cần nhận thức rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và đấu tranh không khoan nhượng với chúng!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.